Chương trình kéo dài từ ngày 2-4/4/2024, tại Đan Viện Xitô Châu Thủy thuộc giáo phận Phan Thiết với mục đích cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm giữa các Caritas đang thực hiện dự án PLD (dự án phát triển tự dân).

Trong ngày đầu của buổi gặp gỡ (ngày 2/4), ban tổ chức thúc đẩy buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề: Cách tiếp cận cộng đồng - Xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức cộng đồng/ các nhóm trong cộng đồng - Cách thức xây dựng nguồn lực (bao gồm nội và ngoại lực), thông qua phần khai mạc, chia sẻ đầu giờ của Cha Giám Đốc & Cha Phó Giám Đốc Caritas Phan Thiết.

Mọi người cùng nhau chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong tiến trình thực hiện công việc: Điểm chung là hầu đa các nhóm đều có nhân viên ở tại cộng đồng, sống cùng với bà con nên dễ dàng trong công tác trao đổi, năm bắt thông tin & hỗ trợ khi cần thiết. Mục đích, tầm nhìn của các dự án cũng rất phù hợp với sự phát triển nông thôn mới tại địa phương, đội ngũ nhân viên các bên ham học hỏi & thường xuyên được tham dự khóa đào tạo, tập huấn kĩ năng,..

Bên cạnh đó vẫn tồn đọng nhiều khó khăn do cách biệt văn hóa, tôn giáo, cơ sở vật chất, kĩ năng thúc đẩy của nhân viên, kĩ năng giải quyết vấn đề, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, di cư hay sự thay đổi nghề theo mùa vụ của bà con...

Chị Maria Goretti Đinh Thị Hồng Phúc - Phó GĐ Caritas Đà Lạt chia sẻ thêm: "Trước đây, mình thường băn khoăn về việc tại sao không áp dụng những bài nghiên cứu, những phát minh mà các nhà khoa học, các kĩ sư đi trước đã thực hiện, mà lại cần để bà con làm, để bà con tự dẫn nhau?" - Sau một thời gian suy ngẫm và trải nghiệm thực tế, chị rút ra: "Lý do bởi bà con hoàn toàn có thể làm được, bản chất của PLD là ngay từ đầu cần xây dựng tinh thần và khả năng học hỏi từ người dân, để mọi người có khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề mỗi khi gặp khó khăn, thử thách - đó mới là nền tảng quan trọng nhất để bà con có thể phát triển bền vững cùng nhau". Việc bắt đầu từ những kinh nghiệm đã có của bà con giúp cho họ có thể áp dụng một cách sáng tạo, chọn lọc những kiến thức mới, thay vì áp dụng một cách máy móc từ những gì được dạy, được học. Điều này phù hợp với sự đa dạng và đặc điểm khác nhau của từng vùng miền.

Sau buổi tọa đàm, vào ngày 3/4, đội ngũ Caritas lại lên đường đi thực tế tại rừng cùng bà con thuộc cộng đồng Sông Phan - Phan Thiết, chuyến đi thực tế giúp các nhân viên có dịp hòa quyện vơi thiên nhiên, cùng nhau chia sẻ cách tìm và lấy mật ong rừng, phân biệt các loại mật ong, nhận biết một số cây thuốc quý từ mẹ thiên nhiên, loại lá dùng để đan giỏ hay quy trình sản xuất than từ cây le.

Vào buổi sáng trước khi các đoàn chia tay nhau, mọi người cùng nhau ngồi lại họp nhóm bàn về tiến trình thực hiện cũng như các quy tắc khi thực hiện PLD, cùng nhau chia sẻ cảm nhận sau những ngày giao lưu, học hỏi & không quên lên ngay lịch hẹn cho những lần học hỏi tiếp theo.

Xin kính chúc quý Cha, quý Sơ, quý anh chị em Caritas Long Xuyên, Phan Thiết cũng như quý anh chị em đang phục vụ trong Caritas các giáo phận luôn được đầy tràn Hồng ân và được Chúa Thánh Thần sói sáng cho các công việc mọi người đang làm cũng như đang ấp ủ thực hiện.