Quá thường xuyên, chúng ta không nhận ra chúng ta cũng là một phần của tự nhiên và việc hủy hoại môi trường cũng đồng nghĩa với việc hủy hoại bản thân và mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên.

NHỮNG NGƯỜI NGHÈO NHẤT LẠI LÀ NHỮNG NGƯỜI CẢM NHẬN RÕ NHẤT NHỮNG TÁC ĐỘNG CÓ HẠI CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU & Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Nghe qua thì ô nhiễm và nghèo đói có vẻ không liên quan đến nhau, song thực tế là ô nhiễm làm trầm trọng thêm nghèo đói.

Image

Trong những sự kiện thời tiết cực đoan, người khá giả hơn có điều kiện để chống chọi tốt hơn, trong khi cuộc sống của người nghèo đã khổ lại càng thêm khổ. Các số liệu cho thấy, 92% số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm xảy ra ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Trong đó, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những tác động bất lợi của ô nhiễm, nhất là từ các hóa chất trong không khí và nước.

Bên cạnh đó, các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra tác động trực tiếp đến những ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện đất đai, nguồn nước, khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm như nông nghiệp, ngư nghiệp... Và đây lại là những lĩnh vực mà người nghèo là lao động chủ yếu & chiếm số đông.

Trên hết, người thu nhập thấp (hay những người nghèo trong xã hội) thường không sở hữu những tài sản tạo ra nhiều khí thải nhà kính, còn những người có thu nhập cao lại thường sở hữu tài sản hoặc sử dụng các dịch vụ xả nhiều khí thải nhà kính như dùng điều hòa, sở hữu xe ô tô, đi máy bay...

Các Chính phủ và tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện trên thế giới đã, đang coi việc nỗ lực giảm ô nhiễm để chống đói nghèo là chìa khóa quan trọng để mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho người dân.

Mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm đối với môi trường, trong đó hoạt động đơn giản nhất, thiết thực nhất mà chúng ta có thể thực hiện ngay bây giờ đó chính là PHÂN LOẠI RÁC ngay tại hộ tại gia đình. Tuy việc xử lý rác thải còn rất nhiều hạn chế, nhưng bước đầu việc hình thành ý thức hạn chế rác và phân loại rác thải là điều rất đáng được quan tâm.

Image

Trên tinh thần đó, nhằm hưởng ứng chương trình thứ 7 xanh, Giáo phận Đà Lạt và Caritas Việt Nam đã đồng tài trợ cung ứng thùng rác phân loại đến các giáo hạt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Xuyên suốt từ ngày 13-17/5/2024, Caritas Đà Lạt đã thực hiện công tác truyền thông tại các điểm thuộc 7 giáo hạt: Madagui, Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Đà Lạt, Đạ Tông & Đơn Dương với chủ đề năm 2024: NHỮNG HẠT GIỐNG HY VỌNG!

Image
Image
Image

Kính mong những hạt giống nhỏ bé của chúng ta sẽ sinh hoa kết trái và ngày càng nhân rộng hơn trong cộng đồng, góp phần bảo vệ mẹ thiên nhiên cũng như cải thiện phần nào môi trường sống cho những người nghèo xung quanh chúng ta!

Image

Các số liệu & nhận định được trích từ thông điệp Laudato Si, CNA, Ucanews & VTV online