Anh chị em thân mến, Tuần lễ Laudatosi được thiết lập để đưa Thông điệp Laudato -Sí vào đời sống cụ thể, nó nhắc nhớ chúng ta phải hành động khẩn cấp vì một trái đất là ngôi nhà chung đang bị chính con người hủy hoại.

Hôm nay, chúng ta muốn nhắc lại một ý tưởng chủ đạo của thông điệp để từ đó chúng ta có những hành động cụ thẻ để làm đẹp trái đất, đó là: trái đất này chính là Chị và Mẹ của chúng ta“Chị Đất này đang kêu trách chúng ta đã gây tổn hại cho chị”. Những nguyên nhân gây tổn hại cho chị đất, cũng gây tôn hại trực tiếp đến người nghèo. Tình trạng trái đất bị áp bức và bị hủy hoại liên kết chặt chẽ với tình trạng những người nghèo bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất. Hai nạn nhân Chị Đất và Người Nghèo như một cặp đôi xuất hiện đòi con người phải hoán cải môi sinh.

Image

 

Chúng ta hãy nghe lại 2 đoạn dẫn nhập mang ý tưởng chủ đạo này:

Số 1: “LAUDATO SI’, mi’ Signore -- Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi”, đó là một lời ca của Thánh Phanxicô Assisi. Trong bài ca tuyệt đẹp này, ngài nhắc chúng ta nhớ rằng ngôi nhà chung của chúng ta là như người chị mà chúng ta đang chung phần sự sống và như người mẹ kiều diễm đang mở rộng vòng tay ôm ấp chúng ta. “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị chúng tôi là Mẹ Đất, Mẹ đỡ nâng, Mẹ dưỡng nuôi, Mẹ sản sinh bao trái trăng, hoa muôn sắc giữa muôn vàn cả dai"

Số 2: Chị Đất này đang kêu trách chúng ta đã gây tổn hại cho chị vì chúng ta sử dụng và lạm dụng một cách vô trách nhiệm những của cải do Thiên Chúa tặng ban. Chúng ta đã lớn lên qua việc được nuôi dạy với ý nghĩ: chúng ta là những người sở hữu và làm chủ trái đất, mà mình được phép hủy hoại. Bạo lực đã bén rễ trong trái tim con người từng bị tội lỗi làm tổn thương, cũng được biểu lộ qua những dấu hiệu của bệnh tật mà chúng ta quan sát thấy nơi đất đai, nơi nguồn nước, trong không khí và trong các sinh vật. Đây là lý do vì sao trái đất bị áp bức và bị hủy hoại của chúng ta được xếp vào số những người nghèo bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất. Chị Đất đang “rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8, 22). Chúng ta quên rằng bản thân chúng ta bởi bùn đất mà ra (x. St 2, 7), rằng thể xác chúng ta được làm bằng những yếu tố của hành tinh này, nơi chúng ta hít thở không khí và nguồn nước của nó làm cho chúng ta sống và phục hồi sức lực.

Trong Laudato Si’ ĐTC cung cấp một tổng hợp về những biểu hiện của cuộc khủng hoảng sinh thái đương thời: ô nhiễm, chất thải, biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhiên liệu, đặc biệt là nước, và mất đa dạng sinh thái. Một vài khía cạnh của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay trở thành điều làm rạn nứt trong hành tinh mà chúng ta đang sống, như vấn đề di dân, sự bất bình đăng xã hội...

Vì thế, cần phải tìm cách đáp trả lại một trong những thách đố lớn nhất của thời này, đó là tình trạng báo động của ngôi nhà chung của chúng ta. Một suy nghĩ mang tính mục vụ: Làm thế nào ứng dụng Laudato Si vào đời sống Giáo Hội địa phương? Bắt đầu từ đâu cho hiệu quả? Phải chăng từ giáo dục? Cần phải đưa những tiết học về môi trường và hướng dẫn thực hành cho các em thiếu nhi ngay từ trên ghế nhà trường, giáo dục các em trong các lớp học giáo lý & ngay tại gia đình... Đối với Caritas Giáo phận, sắp tới sẽ có ngày phát động trồng cây xanh tại nhà sàn Thôn 3 Lộc Tân do tổ chức RED tài trợ. Đồng thời, trong tuần lễ Laudato Si' vừa rồi, đã phát động chương trình truyền thông phân loại rác tại các giáo xứ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 

 

Điều này nhắc nhớ chúng ta về chủ đề Ngày Trái Đất 2024 vì một thế giới không dùng bao nhựa

Mỗi năm, Ngày Trái đất có một chủ đề cụ thể nhằm thu hút sự chú ý toàn cầu về các vấn đề môi trường cấp bách. Qua chủ đề "Hành tinh vs. Nhựa", phiên bản thứ 54 tập trung vào ô nhiễm nhựa và nhu cầu cấp thiết là giảm việc xử dụng và sản xuất nhựa. Ngoài những tác động đến môi trường, sự phát triển của nhựa còn gây ra mối đe dọa đáng kể cho với sức khỏe con người, giống như những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.

400 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm

Con người sản xuất hơn 400 triệu tấn nhựa mỗi năm, gần bằng trọng lượng của toàn bộ loài người trên trái đât. Chỉ 9% được tái chế và khoảng 22% rác thải nhựa trên toàn thế giới không được thu gom, xử lý không đúng cách hoặc trở thành rác thải. Khi nhựa phân hủy thành vi nhựa, chúng thải ra các hóa chất độc hại vào hệ sinh thái, làm ô nhiễm đại dương (nơi thải ra hơn 1 triệu tấn mỗi năm), nguồn thực phẩm và nước, đồng thời gây nguy hiểm cho cuộc sống.

Sau hết hiệp thông trong Thánh lễ ngoài trời, giữa thiên nhiên kỳ diệu và xinh đẹp, chúng ta hãy ngước mắt nhìn vào bầu trời và thiên nhiên để ca tụng Chúa vì vẻ đẹp của nó và để tạ ơn Chúa đã ban vũ trụ này cho chúng ta, để có thể đưa con người chúng ta hòa với thiên nhiên cùng với ước muốn thực hành việc bảo vệ trái đất là ngôi nhà chung.

Lm Gioan Bosco Hoàng Văn Chính