Trong quá trình thực hiện dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cơ sở BTXH Trọng Đức, Caritas Đà Lạt nhận thấy rất rõ tính cấp thiết của việc nhận biết và can thiệp kịp thời khi có những dấu hiệu bất ổn về tâm lý, đặc biệt là trong thời kỳ hậu Covid 19. Chính vì thế, vào lúc 8h00 ngày 22/6/2024 tại Giáo Xứ Tùng Nghĩa, Giáo Hạt Đức Trọng, Caritas Đà Lạt tổ chức chương trình TRUYỀN THÔNG VỀ SỨC KHỎE TÂM TRÍ cùng với sự tham dự của gần 100 tham dự viên thuộc mạng lưới Caritas Giáo phận của các giáo xứ trong hạt Đức Trọng & hội người khuyết tật Đức Trọng.

Xuyên suốt chương trình, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điệp - CKI Tâm thần, CDC Lâm Đồng và Soeur Nguyễn Thị Thanh Tú, dòng FMM - tiến sĩ, PhD Tâm lý học lâm sàng đã có những chia sẻ & tư vấn vô cùng hữu ích về các vấn đề xoay quanh sức khỏe tâm trí, chăm sóc sức khỏe tâm trí và cách đồng hành với những người có vấn đề về sức khoẻ tâm trí và gia đình của họ.

Image

Mở đầu chương trình bác sĩ Điệp trình bày chủ đề bằng câu chuyện tâm lý mang nhiều yếu tố hài hước dí dỏm nhưng phản ánh được những bệnh lý liên quan tới “rối nhiễu tâm trí” mà trong xã hội hiện nay ai cũng có thể mắc phải. Đề tài tập trung giúp cho tham dự viên hiểu được thế nào là “rối nhiễu tâm trí” và các biện pháp phòng tránh. Bác sĩ nhấn mạnh một người “rối nhiễu tâm trí” có biểu hiện như: mệt mỏi mất ngủ khi gặp khó khăn, lo lắng trong cuộc sống gây ra những suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí kéo dài, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như: tự cô lập, rối loạn ăn uống, hành động tự hại hoặc toan tính tự tử.

Để vượt qua tình trạng “rối nhiễu tâm trí” chúng ta cần: cân bằng sinh hoạt, tránh căng thẳng kéo dài, trau dồi kiến thức về phòng chống rối nhiễu tâm trí, sử dụng test sàng lọc phát hiện sớm và tìm đến cơ sở chuyên môn để tư vấn điều trị kịp thời.

Image

Song song đó, Soeur Nguyễn Thị Thanh Tú chia sẻ thêm về cách đồng hành với người có vấn đề về sức khỏe tâm trí trong gia đình và cộng đồng nhằm giúp cho người bệnh được quan tâm và tôn trọng.

Phương pháp “con người là trọng tâm” được Sr nhấn mạnh và giải thích một cách đơn giản giúp tham dự viên hiểu biết một số kiến thức cơ bản, mặc dù đây là những kỹ thuật mang tính chuyên môn và cần có nhiều thời gian hơn để học hỏi vầ thực hành, tuy nhiên do giới hạn về thời gian nên các nội dung được giản lược để mọi người dễ nắm bắt. Sr Tú đã bắt đầu nội dung bằng việc xem một video ngắn được trích xuất từ camera về tình huống người mẹ bị trầm cảm sau sinh và được người con trai 4 tuổi thể hiện sự quan tâm, an ủi qua hành động rất đơn sơ như: ôm mẹ, vuốt ve, lấy khăn giấy lau nước mắt cho mẹ… Tình huống này đã đánh động tham dự viên rất nhiều về việc thể hiện vai trò người đồng hành với người có sức khỏe về tâm trí. Sự thấu cảm là yếu tố quan trọng để thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng, quan tâm thực sự với cá nhân trong việc đồng hành và hỗ trợ người có vấn đề, giúp cho họ được chữa lành. Đây là một tiến trình đòi hỏi niềm tin, sự chân thành chú trọng đến “con người là trọng tâm”. Điều cần lưu ý trong tiến trình này được gói gọn trong "2 không 1 có": KHÔNG phán xét; KHÔNG đưa ra giải pháp, CÓ sự lắng nghe tích cực & thấu cảm.

Image

Trong suốt chương trình các tham dự viên cùng nhau lắng nghe chia sẻ và đặt câu hỏi với các chuyên về những thắc mắc và mối quan tâm của mình liên quan tới sức khỏe tâm trí.

Kết thúc buổi tập huấn, chị Maria Goretti Đinh Thị Hồng Phúc - Phó GĐ Caritas Đà Lạt đã thay mặt Caritas giáo phận cảm ơn đến Cha quản hạt Đức Trọng, Cha trưởng ban Caritas Giáo hạt, quý Thầy, quý Souer, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điệp, cùng tất cả các tham dự viên đã nhiệt tình đồng hành cùng chương trình.

 Trung Nguyen