Tham dự buổi tập huấn không chỉ có nông dân địa phương mà còn có đại diện từ cộng đồng Marabay, Liêng Krak 2, và nhân viên của Caritas Đà Lạt.

Tại vùng đất này, bà con vẫn còn loay hoay với những khó khăn trong việc chọn giống, chăm sóc cây lúa và đối phó với sâu bệnh. Buổi tập huấn đã cung cấp nhiều kiến thức thực tiễn và hữu ích giúp bà con tự tin hơn trên hành trình canh tác của mình.

 

Những Khó Khăn và Mong Muốn của Bà Con Nông Dân

Hiện nay, việc trồng lúa đang đối diện với nhiều thách thức. Giống lúa đòi hỏi chi phí đầu tư cao, sâu bệnh cũng ngày càng nhiều, đặc biệt là việc bón phân không đúng cách khiến năng suất bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khả năng tự trồng và lưu giữ lúa giống của bà con cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của bà con không chỉ là cải thiện sản lượng lúa mà còn là khôi phục giống lúa cổ truyền, chủ động được nguồn giống. Họ đặc biệt quan tâm đến sản xuất lúa hữu cơ để mang lại thực phẩm sạch, không chỉ cho gia đình mà còn cho cả môi trường. Đó cũng là mong muốn truyền lại tri thức và kỹ năng này cho thế hệ con cháu sau này.

Image

Sản Xuất Lúa Giống: Bước Khởi Đầu Của Một Vụ Mùa Thắng Lợi

Tiến sĩ Nguyễn Thành Tâm đã nhấn mạnh rằng, để có một vụ mùa thành công, việc chọn lựa và sản xuất lúa giống là bước vô cùng quan trọng. Quá trình này đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ ngay từ khâu đầu tiên:

  • Chọn giống lúa không bị lẫn với các giống khác.
  • Lúa giống cần trổ đều, được phơi khô và bảo quản nơi thoáng mát để giữ chất lượng.
  • Cần chọn những đám ruộng sạch cỏ, ít bị sâu bệnh, để tránh sự can thiệp của hóa chất.

Lợi ích của việc tự sản xuất lúa giống là rõ ràng:

  • Chủ động nguồn giống không phải phụ thuộc vào các cơ sở cung ứng bên ngoài.
  • Giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình.
  • Tăng năng suất và lợi nhuận từ việc chăm sóc đúng cách và chọn lọc lúa giống kỹ càng

Những Bí Quyết Canh Tác Hiệu Quả Từ Thầy Tâm

Một trong những điểm nổi bật của buổi tập huấn là những bí quyết thực tiễn mà Tiến sĩ Nguyễn Thành Tâm chia sẻ với bà con. Đây là những phương pháp đơn giản nhưng có hiệu quả lớn trong việc cải thiện chất lượng và năng suất cây lúa:

- Sạ thưa hoặc cấy thưa: Thầy nhấn mạnh rằng, việc gieo sạ quá dày sẽ khiến sâu bệnh nhiều hơn và chồi hữu hiệu ít đi. Cấy thưa sẽ giúp lúa phát triển tốt hơn, ít sâu bệnh, và tăng năng suất.

- Phương pháp khử lẫn giống: Đây là một kỹ thuật quan trọng giúp nông dân loại bỏ những cây lúa bị lẫn giống, ảnh hưởng đến chất lượng vụ mùa. Thầy hướng dẫn cách nhận biết cây lúa bị lẫn, và thời điểm tốt nhất để khử lẫn, từ đó giúp cải thiện chất lượng lúa giống.

- Giải quyết sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi: Đặc biệt, với tình trạng lúa đang trổ bông nhưng gặp thời tiết lạnh, Tiến sĩ Tâm khuyên rằng cần bón Kali, Canxi và Bo để giúp cây lúa tăng cường sức chống chịu. Ông cũng khuyến khích bà con sử dụng phun qua lá để cây hấp thụ nhanh hơn, đồng thời rút hết nước ra khỏi ruộng để giữ ấm cho đất.

- Giải Pháp Cho Cỏ Dại: Trước khi gieo sạ, bà con nên tiến hành sấy đất hai lần để cỏ mọc lên rồi sấy tiếp, sau đó mới đưa nước vào ruộng. Phương pháp này giúp kiểm soát cỏ hiệu quả mà không cần sử dụng thuốc hóa học. Ngoài ra, cách nhổ cỏ bằng tay vẫn được thầy khuyến khích vì đảm bảo độ sạch cho ruộng lúa, tuy mất nhiều công sức nhưng mang lại lợi ích lâu dài.

Image

Sau hai ngày tập huấn, bà con cảm thấy rất vui và may mắn vì dù sống ở một vùng xa xôi, nơi mà điều kiện canh tác còn hạn chế, nhưng vẫn có người đến chia sẻ kiến thức và hướng dẫn tận tình. Một nông dân từ Đạ Tông chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ biết làm theo những gì ông bà truyền lại, nhưng sau khi được học hỏi từ thầy, tôi hiểu rõ hơn về cách chọn giống, bón phân và chăm sóc lúa theo từng giai đoạn. Tôi rất cảm ơn Caritas Đà Lạt đã tạo điều kiện cho chúng tôi được học hỏi. Làm lúa hữu cơ không chỉ vì sức khỏe gia đình mà còn để bảo tồn giống lúa quý cho con cháu."

Bà con cũng đặc biệt ấn tượng với những chia sẻ về cách phân loại giống lúa, khử lẫn, và lựa chọn giống tốt để vụ mùa đạt được hiệu quả cao nhất. Những kiến thức này sẽ giúp bà con thay đổi phương pháp canh tác, từ việc dùng thuốc hóa học sang sản xuất lúa hữu cơ sạch, an toàn hơn cho môi trường và cộng đồng.

Kết thúc buổi tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Thành Tâm nhắn nhủ bà con: "nếu có thắc mắc hoặc khó khăn trong quá trình canh tác, mọi người có thể liên lạc trực tiếp với thầy để được tư vấn. Thầy sẵn sàng gửi lúa giống để bà con thử nghiệm, giúp họ chủ động hơn trong tương lai. Thầy cũng hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều cơ hội để tiếp tục hướng dẫn và cập nhật những kiến thức mới cho cộng đồng nông dân Ktip".

BTT Caritas Đà Lạt