Diễn đàn được tổ chức vào ngày 24-26/10/2024 tại Đà Lạt và Ninh Thuận, quy tụ 21 nông dân từ các nhóm sản phẩm. Trên hành trình chuyến đi, ai nấy đều có chút bồn chồn vì nỗi ám ảnh “say xe”, e ngại rằng sẽ ảnh hưởng đến việc học hỏi, giao lưu. Nhưng với tinh thần lạc quan, bà con vẫn nôn nao háo hức, mỗi đoạn đường dài thêm là thêm chút mong chờ cho những điều bổ ích phía trước.

Nhìn Lại Hành Trình Phát Triển Cùng SLEP

Chuỗi diễn đàn SLEP – Diễn đàn trao đổi học hỏi về sản phẩm - đã đi qua ba kỳ với những chủ đề khác nhau, hướng đến việc xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái giàu giá trị và bền vững:

  • Diễn đàn SLEP 1 (2020): Kiến thức bản địa với PLD hướng đến chủ quyền lương thực.
  • Diễn đàn SLEP 2 (2021): Marketing và phát triển sản phẩm.
  • Diễn đàn SLEP 3 (2024): Củng cố tổ chức và phát triển sản phẩm.

Cha Giám đốc Caritas Đà Lạt chia sẻ cảm xúc khi nhìn lại chặng đường đã qua, so với những ngày đầu, đã có sự triển nở về đa dạng sản phẩm cũng như sự gia tăng về số nhóm có sản phẩm trong cộng đồng. Mỗi bước tiến sẽ mở ra con đường mới với những khó khăn riêng, nhưng với sự cố gắng kiên trì, cùng nhau chúng ta có thể phát triển sản phẩm theo cách bền vững, trong đó sự trưởng thành và nỗ lực làm việc của bà con là những thành quả rất đáng được ghi nhận.

Mục Tiêu Diễn Đàn Lần Này

Diễn đàn SLEP 3 tập trung giúp bà con định hướng phát triển sản phẩm, đồng thời củng cố và xây dựng đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó cũng giúp bà con có thêm động lực thông qua quá trình tham quan thực địa, giao lưu và học hỏi. Diễn đàn cũng là cơ hội để nhân viên Caritas có thêm những định hướng rõ nét để đồng hành cùng bà con trong tiến trình sắp tới.

Image

Nội Dung Diễn Đàn

Nhận thức giá trị của Kinh Tế Sinh Thái

Các nhóm cùng nhau thảo luận về mục tiêu của kinh tế sinh thái. Nhấn mạnh giá trị cốt lõi của kinh tế sinh thái là kinh tế phục vụ con người, trong đó sản phẩm không chỉ có giá trị cho bản thân và gia đình mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng và môi trường.

Những yếu tố cần thiết để một tạo lập một nhóm sản xuất và kinh doanh sản phẩm sinh thái cũng được liệt kê và đối chiếu, giúp các nhóm nhận biết những gì mình đã có cũng như còn thiếu. Các yếu tố này được tóm lược ngắn gọn bằng mô hình xe tải, thông qua mô hình này bà con dễ dàng nhận diện những yếu tố mà nhóm mình đã có cần duy trì hoặc cần bổ sung và xây dựng trong tương lai.

Image

Học hỏi từ các mô hình thực tế

Tham quan mô hình Vương Trùn Quế

Trong ngày thực địa đầu tiên, bà con đến với mô hình tuần hoàn sinh thái, từ trồng rau 5.0 đến chuồng gà lót đệm sinh học, bà con học được cách dùng thiên địch, cách thu hút thiên địch cũng như cách sử dụng chế phẩm sinh học tự nhiên để bảo vệ cây trồng. Thông qua mô hình này, bà con đặc biệt ấn tượng với cách thức sử dụng lót đệm sinh học giúp khử mùi hôi trong chăn nuôi, giữ khu vực chăn nuôi được sạch sẽ.

Mô hình nuôi trùn quế tại đây cũng giúp bà con hiểu thêm về giá trị của các loại trùn, kích thước tuy nhỏ bé, lại chuyên ăn thực phẩm từ rác thải hữu cơ, phân thải vật nuôi, nhưng qua quá trình tiêu hóa chúng sẽ sản xuất ra loại phân bón trùn quế cao cấp, dùng bón cho cây trồng. Ngoài ra, trùn quế còn có thể được lên men để tạo ra các chế phẩm sinh học, có tác dụng cải tạo đất, kích thích sinh trưởng và rất nhiều công dụng khác.

Image
Image
Image

Tham quan mô hình Chang Farm

Chang Farm là một mô hình độc đáo kết hợp giữa trồng nho và táo, được xây dựng dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa 5-6 nhà vườn. Các thành viên không chỉ chia sẻ giống cây trồng và kỹ thuật canh tác mà còn cùng nhau thu mua và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường sản phẩm sạch, Chang Farm đã chuyển đổi sang mô hình canh tác thân thiện với môi trường. Hiện nay, mỗi năm Chang Farm chỉ thu hoạch một vụ duy nhất, tập trung vào thời điểm chất lượng quả đạt đỉnh cao. Khoảng thời gian còn lạiđể cắt tỉa, chăm sóc cây trồng và tận dụng không gian dưới tán cây để trồng thêm đậu và nuôi gà, tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệp hài hòa và bền vững.

Sản phẩm của Farm phong phú từ nho, táo tươi đến các chế phẩm như rượu, mứt, sấy khô... Nhờ chất lượng và dịch vụ tốt, Chang Farm thu hút khách hàng trung thành. Hiện tại các sản phẩm của Chang Farm được phân phối tại các chuỗi cửa hàng từ Nam ra Bắc. Để có được thành tựu như ngày hôm nay, Chang Farm đã trải qua nhiều chông gai, từng bước khắc phục khó khăn qua các khâu sản xuất, bán hàng, và mở rộng thị trường. Những ngày đầu chưa biết định giá sản phẩm, Farm nhận được sự hỗ trợ từ các thầy Triều, sau này sản phẩm của Chang Farm bán được giá cao hơn do đã tạo được thương hiệu, sản phẩm ngon, đảm bảo an toàn và dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo.

Thông qua câu chuyện lập nghiệp của Chang Farm, bà con học được nhiều kĩ thuật, bài học hay và cũng tự tin hơn, vì bà con cũng nhìn thấy hình ảnh của chính mình, từ việc không biết canh tác cái gì, kĩ thuật như nào, định giá sản phẩm ra sao, làm sao để có thể cung ứng sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường, lại vừa đạt được giá trị kinh tế. Từ từ từng bước một bà con đều có thể thực hiện được những điều mình muốn, giống như những gì mà Chang Farm đã làm.

Image

Học hỏi tại Xưởng Thực Phẩm Không Hóa Chất của Ông Thắng

Đoàn xe tiếp tục lăn bánh đến xưởng ông Thắng Phan Rang - nơi sản xuất thực phẩm không hóa chất với phương châm "sạch - ngon - lành" - chị Ánh và chị Hiền chia sẻ về hành trình phát triển của xưởng. Ban đầu, chị Ánh một mình đảm nhiệm mọi công đoạn. Khi sản phẩm bắt đầu bán chạy, xưởng mới tuyển thêm lao động, nhân công của xưởng chủ yếu là phụ nữ địa phương, vì công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn là sức lực.

Xưởng sản xuất đa dạng các sản phẩm tự nhiên, không chất bảo quản, chủ yếu là ngũ cốc, trái cây sấy, trà, gạo lứt,... ban đầu chỉ bán ngũ cốc, sau đó mở rộng thêm các dòng sản phẩm khác. Xưởng mua nguyên liệu trực tiếp từ nông dân với giá tốt, cam kết chất lượng và khuyến khích nông dân thay đổi cách canh tác bền vững.

Trong buổi giao lưu, nhóm K’tip - với kinh nghiệm canh tác lúa - cũng đặt câu hỏi về các sản phẩm chế biến được từ lúa gạo và mong muốn trở thành nguồn cung ứng gạo sạch cho xưởng Ông Thắng trong tương lai, mở ra cơ hội hợp tác lâu dài, tạo nên hệ thống chuỗi cung ứng sạch.

Image

Sau các buổi thảo luận và tham quan, bà con cùng nhau đúc kết kinh nghiệm trong việc tổ chức nhóm sản xuất, chọn lựa sản phẩm phù hợp và định hướng cải tiến kỹ thuật. Những bài học rút ra từ các mô hình giúp bà con có thêm động lực để chia nhỏ công việc, bắt đầu từng những bước nhỏ, luôn duy trì tinh thần học hỏi, và kiên trì với giá trị cốt lõi.

Diễn đàn Phát triển Sản phẩm SLEP 3 đã kết thúc tốt đẹp với những ý tưởng hứa hẹn cho tương lai. Bà con cảm thấy có rất nhiều loại nông sản, cây trái bản địa nhiều tiềm năng vẫn còn chưa được khai thác và phát triển đúng mức, việc tận dụng những thế mạnh sẵn có tại địa phương sẽ tạo lợi thế rất lớn trong quá trình phát triển nông nghiệp. Qua đó, các tham dự viên đều mong muốn tiếp tục tổ chức SLEP4 - nhấn mạnh nội dung liên quan đến mạng xã hội và thương mại điện tử. Caritas luôn mong bà con sẽ giữ vững niềm tin và đồng tâm hiệp lực trên con đường phát triển, tận dụng tối đa nguồn lực địa phương và mở rộng mối quan hệ, đón nhận sự hỗ trợ quý báu từ xã hội, từ đó có được cuộc sống đủ đầy hơn và lan tỏa những giá trị tích cực đến cho mọi người.

Image