Chương trình may mắn có sự hiện diện của Cha Giuse Trần Ngọc Hạnh – quản xứ Phi Liêng, Cha Giuse Trần Công Vang – Trưởng hội Việt Tộc, Ban Hành Giáo Giáo xứ Phi Liêng, đại diện cà phê Oh Mi KoHo, các thành viên nhóm Pơ Nơm, và chủ cơ sở sản xuất cà phê nguyên chất Samarita – Cà phê của người tốt.
Sự quy tụ của chương trình nhằm hướng đến ba mục tiêu chính: Giới thiệu nhóm cà phê sinh thái Pơ Nơm cùng hệ thống chứng nhận CFGS (Caritas’ Farmers Guarantee System) – một công cụ quan trọng giúp đảm bảo chất lượng nông sản; đồng thời thành lập liên nhóm tại Phi Liêng - tạo mạng lưới liên kết, hỗ trợ và đảm bảo sự giám sát giữa các hộ nông dân trong khu vực.
Cha Giuse Trần Công Vang – Trưởng hội Việt Tộc và Cha Giuse Trần Ngọc Hạnh – Quản xứ Phi Liêng
Nhóm Pơ Nơm: Hơi thở của núi rừng
Nhóm Pơ Nơm gồm 8 hộ gia đình thuộc thôn Păng Sim, xã Phi Liêng, là một điển hình tiêu biểu cho mô hình nông nghiệp sinh thái. Với tổng diện tích 8 sào (mỗi hộ sở hữu 1 sào), nhóm đã bắt đầu quá trình chuyển đổi từ cuối năm 2021 và đến nay hoàn toàn ngưng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Thay vào đó, nhóm sử dụng phân chuồng compost tự ủ, đảm bảo quy trình canh tác sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Tên gọi “Pơ Nơm” mang ý nghĩa “rừng núi”, thể hiện sự gắn kết sâu sắc giữa con người và thiên nhiên. Sản phẩm cà phê Robusta sạch 100% của nhóm được sản xuất theo quy trình thủ công tỉ mỉ: từng quả cà phê được hái chọn khi chín, rửa sạch, phơi trên giàn cao, xay nhân xanh rồi rang xay đóng gói. Nhóm còn tận dụng không gian trong vườn để trồng xen canh các loại rau củ địa phương, giúp duy trì đa dạng sinh học và cải thiện độ phì nhiêu cho đất. Những hạt cà phê từ vùng cao nguyên này không chỉ mang lại hương vị đậm đà mà còn là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ các chị em phụ nữ trong nhóm. Sản phẩm đầu tay của Pơ Nơm, ra mắt vào năm 2024, mang trọn vẹn hương vị nguyên chất và không pha tạp, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khách hàng địa phương. Dù sản lượng hiện tại còn hạn chế, nhóm đặt hy vọng vào tương lai sẽ kêu gọi thêm nhiều hộ gia đình trong thôn cùng chung tay canh tác, mở rộng diện tích cà phê sạch để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường đối với những sản phẩm chất lượng cao. “Đối với bà con nông dân, việc làm ra những sản phẩm như thế này là rất quý, là niềm tự hào không chỉ cho nhóm mà còn cho cả cộng đồng. Nhu cầu thực phẩm sạch đang ngày một tăng cao. Kiên trì theo đuổi con đường bền vững chính là điều tiên quyết để chúng ta tạo nên sự khác biệt.” – Cha Quản xứ Phi Liêng chia sẻ.
CFGS: Hệ thống đảm bảo có sự tham gia của Caritas Đà Lạt
Để khẳng định chất lượng sản phẩm và hướng tới sự phát triển bền vững, nhóm Pơ Nơm đã quyết định phấn đấu để đạt được chứng nhận CFGS (Caritas’ Farmers Guarantee System) – đây là một hệ thống chứng nhận do Caritas Đà Lạt xây dựng dựa trên hệ thống PGS (Participatory Guarantee System), giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm thông qua sự tham gia và giám sát của cộng đồng.
Hệ thống CFGS có những đặc điểm nổi bật như đảm bảo chất lượng, đáng tin cậy, minh bạch, chi phí thấp và phù hợp với nông dân nhỏ. Ngoài ra, hệ thống còn nhấn mạnh sự giám sát ngang hàng thay vì sự kiểm định riêng biệt bởi một bên thứ ba, giúp tăng cường kết nối và học hỏi trong cộng đồng, đồng thời giảm thiểu tối đa thủ tục giấy tờ, thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao năng lực và tiếp cận thị trường.
Liên nhóm Phi Liêng: Hợp tác vì một mục tiêu chung
Trong buổi gặp mặt, các tham dự viên đã thống nhất bầu chọn người đại diện điều phối liên nhóm, giám đốc chứng nhận CFGS và hội đồng chứng nhận. Việc thành lập liên nhóm không chỉ giúp nhóm Pơ Nơm hoàn thiện hồ sơ để đạt chứng nhận CFGS mà còn tạo ra một cộng đồng nông dân đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Các thành viên trong liên nhóm sẽ thường xuyên tổ chức các buổi thăm quan vườn, đồng ruộng để cùng nhau kiểm tra, đánh giá quá trình sản xuất. Qua đó, mọi người có thể học hỏi những kinh nghiệm hay, chia sẻ những khó khăn và cùng nhau tìm ra giải pháp. Việc canh tác theo đúng hướng nông nghiệp sinh thái không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của cộng đồng.
Xuyên suốt cả quá trình kiểm chứng CFGS, người nông dân luôn đóng vai trò quan trọng:
- Người nông dân là trung tâm của hệ thống: Họ là những người trực tiếp sản xuất, chăm sóc và bảo vệ sản phẩm.
- Người nông dân có quyền quyết định: Họ được tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, giám sát và đánh giá chất lượng sản phẩm.
- Người nông dân được hưởng lợi: Họ được hưởng lợi từ việc tự cung ứng một số nông sản cho bản thân và gia đình, bán sản phẩm chất lượng cao, xây dựng thương hiệu và nâng cao uy tín.
Việc đạt được chứng nhận CFGS không chỉ là một mục tiêu, mà còn là một hành trình để xây dựng một cộng đồng nông dân bền vững. Để đạt được mục tiêu này, nhóm đã xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể, bao gồm việc hoàn thiện hồ sơ, tham gia các khóa đào tạo, xác định thời điểm tiến hành thanh tra (2 lần/năm) và ước định thời gian dự kiến được cấp chứng nhận CFGS vào tháng 5/2025. Sự thành công của mô hình này sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều cộng đồng khác, cùng chung tay xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.