Chúng tôi đã được gặp những con người, những khu rừng, những mảnh vườn sinh thái tích hợp, đa canh, đa tầng tán, những ý chí, nghị lực và cuộc sống thanh tịnh của những người chọn nông nghiệp sinh thái làm phương châm sống. Những bài học hay được lĩnh hội trong chuyến đi đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Kiên nhẫn, con đẻ của Hy Vọng và nuôi dưỡng Hy Vọng
Khi chuyển đổi từ hóa chất sang hữu cơ, ban đầu cây trồng sẽ rất yếu và không thích ứng với môi trường mới. Thời gian để Madam Hương tại An Việt Farm, thôn Cợp, Thương Phùng, Hương Hóa, Quảng Trị chuyển đổi dinh dưỡng từ hóa chất sang hữu cơ cho vườn cà phê của mình mất đến 3 năm. Năm đầu tiên cây yếu, lá bị vàng và rụng, sau 3 năm lá mới xanh trở lại và dày hơn. Không có sự kiên nhẫn và niềm hy vọng, madam Hương sẽ không thể vực lên được sau khi mất đến 12 tỉ đổ vào vườn phân thuốc. Kết quả hôm nay gia đình gặt hái được là thương hiệu cà phê An Việt farm với sản phẩm cà phê đặc biệt được trồng dưới tán cây gáo và phương pháp chế biến lên men đặc biệt sau thu hoạch để cho ra một hương vị độc đáo. Bà chủ cũng có một người con trai hỗ trợ mẹ marketing sản phẩm tại Sài Gòn với giá bán ra 1,500,000đ/kg.
Chị Mai Thúy Huyền, thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng, bắt đầu chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái từ mảnh đất đã trồng keo 2 lần. Với vùng đất cát và thời tiết khắc nghiệt tại Quảng Bình, trước hết chị trồng cây mít, chuối, cam vải thiều dưới gốc cây mẹ (là một cây vải bản địa còn sống sót lại từ hồi xưa). Vì là nền đất cát, để cải tạo đất, chị đào một hố dài, cho thật nhiều phân vào hố, tấp tủ thêm một lớp dày cành lá bên trên rồi bắt đầu trồng cây. Mùa hè với nhiệt độ đôi khi lên đến 43 độ C, chị phải thức đêm canh hứng 2-3 xô nước mỗi lần. Các cây con cũng phải nhường nhau: hôm nay cây này được uống 1 ca thì hôm sau chịu khó nhịn để dành cho một số bạn khác chưa được uống. Qua hết mùa hè đầu tiên, những cây trồng của chị dần quen với điều kiện khắc nghiệt của địa phương. Sau 3-4 năm, những cây ăn quả không cần tưới nữa vì rễ đã đâm xuống tầng đất sâu để tự hút nước và dinh dưỡng. Khi bắt đầu chuyển đổi, có cả ‘tập đoàn phản đối’ - họ là những người thân và thương chị, sợ chị khổ nên khuyên chị từ bỏ con đường sinh thái ‘đóng đô’ tại vườn mà ít giao thiệp với ai. Đôi khi chị phải đóng cửa vườn để khỏi bị làm phiền, thế nhưng ‘người ta lại tiếp tục gọi điện ngăn cản’, chị chia sẻ. Nhưng với ý chí của một người mẹ đơn thân, không lao động, không vốn, và dòng máu làm nông được hưởng từ gen của bố mẹ, chị vẫn kiên định, bám vườn và yêu vườn.

Tham quan nhà bác Minh, thôn Phú Minh, xã Liên Trạch. Với nền đất có đầy những đá, năm này sang năm khác, bác nhặt đá chất thành những bờ taluy chặn đất theo những đường đồng mức, để lộ ra nền đất trống và trồng cây trên đó. Những bờ Taluy vững chắc giúp giữ đất, giữ dinh dưỡng nuôi cây tiêu mà bác học hỏi, trồng thử nghiệm và chăm chút trong nhiều năm.

“Đất này toàn đá, trồng đến đâu, cây chết đến đó. Mùa hè đá trong đất quá nóng, mình trồng 100 cây rừng, chỉ có 2 cây sống”, bà chủ của trạm dừng chân An Mã chia sẻ. Cây sim là cây bản địa duy nhất ở đây có thể sống được. Chúng được trồng, chăm sóc, và được bán tươi, ngâm rượu, bán khô dưới danh hợp tác xã gồm 7 nông dân thành viên. ‘Có lúc mình đã đòi ly hôn bỏ chồng để đi làm vườn này. Cả gia đình cản ngăn vì không muốn con gái một mình đi vào vùng hẻo lánh’, chị chia sẻ. Giờ đây, người chồng đã về đây, giúp cắt cỏ và phụ một tay trong việc làm vườn. Một số cây rừng còn sống sót, những thảm hoa tam giác mạch, cả đồi sim cũng như hồ cá và những đàn gà, ngỗng, cừu tạo nên một cảnh quang sinh thái thơ mộng là kết quả của những nỗ lực bền bỉ 6 năm của bà chủ trẻ này.
Thật vậy, chính niềm hy vọng về một tương lai của nông nghiệp sinh thái mang đến sự sống cho muôn loài đã làm nên sự kiên nhẫn, tinh thần quật cường, chịu khó của những con người trên. Và chính sự kiên nhẫn này lại tiếp tục nuôi dưỡng làm cho niềm hy vọng của chính những người nông dân và những người được truyền cảm hứng từ họ ngày một lớn hơn.
Người nuôi đất, đất nuôi cây, cây nuôi người
Phải luôn giữ nguyên tắc này: “Người nuôi đất, đất nuôi cây, cây nuôi người”’, chia sẻ từ Bác Phước, một ông già 73 tuổi, nhanh nhẹn, rắn chắc tại xã Xuân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình vẫn đang bám đất, bám vườn để tạo ra những khu vườn sinh thái trong lành. Sở dĩ 2 ông bà già có được một vùng đất vài ha vì khi bắt đầu đến đây từ những năm ’90 của thế kỷ trước, hàng xóm khu vực chung quanh bỏ đi vì Mỹ rải đầy bom bi. Sau khi đốt qua, hai ông bà mỗi ngày nhặt từng quả bom bi trong vườn, gánh những quang gánh đổ bom xuống khe. ‘Bà ngóng nhìn cho đến khi dáng của ông khuất dạng nơi khe rồi mới yên tâm tiếp tục công việc’ Bà Phước tâm sự. Khi bắt đầu trồng cây thì mỗi ngày hai ông bà gom lá từ rừng keo bên cạnh, gánh về tấp tủ cẩn thận một lớp dày quanh gốc cây non mới trồng. Mỗi cây hàng ngày cũng được uống một ca nước do ông xách từ suối để có thể sống sót qua mùa hè khắc nghiệt. Và giờ đây, sau hơn 30 năm cần mẫn, ông bà có rất nhiều thứ để thu quanh năm: vườn rau xanh được chăm tưới trong mùa đông-xuân, gừng, nghệ, vải, tiêu, gà đông tảo, bồ câu, ngỗng, vịt…. Tất cả đều sản sinh ra từ mảnh vườn sinh thái 3000 m2 còn lại sau khi đã chia cho các con. Mảnh vườn này đã được hai ông bà cải tạo và chăm chút như chăm con mọn. Thực đúng ‘người nuôi đất, đất nuôi cây, cây nuôi người’.
Nông nghiệp sinh thái: người, tạo vật sống hòa hợp cùng thiên nhiên, giá trị của giống bản địa
Madam Hương chia sẻ: “Khi bạn vào vườn rừng, đa canh, đa tầng tán, nhiệt độ ở đấy sẽ mát hơn 2-3 độ so với nhiệt độ ở nhà”. Ở vườn chị Huyền, chỗ nào cần làm cỏ thì làm, không thì chị để lại để tạo sự cân bằng. Lớp cỏ làm cho nền đất của chị mát hơn. Nó cũng giúp phân tán sự tập trung của sâu rầy vào loài cây chủ lực trong vườn. Nuôi ong là một nguồn thu thường xuyên và rất tốt cho một khu vườn sinh thái. Ong cũng giúp thụ phấn cho những cây ăn quả. Hoa từ cây to, cỏ dại là nguồn thức ăn tốt cho đàn ong. Chị Huyền để tất cả các loài có thể chung sống trong mảnh vườn của mình: sâu, rầy, kiến, không cần phải đuổi chúng đi vì mỗi loài có vai trò riêng của nó.
Thiết kế vườn để các loại cây trồng có thể nhận được tối đa ánh sáng và thu hoạch nước mưa là một trong những bí quyết thành công của khu vườn sinh thái. Theo hướng mắt trời mọc, những cây thấp sẽ trồng ở hướng đông để các cây trong vườn có cơ hội hấp thu tối đa ánh sáng buổi sáng, những cây cao sẽ trồng ở hướng tây để cản bớt tia cực tím của nắng chiều.
Cũng nương theo độ nghiêng của đất, người nông dân sẽ đào những đường mương đồng mức để giữ lại lượng nước mưa không để trôi khỏi vườn. Các cây trồng cũng được trồng trên đường đồng mức. Làm bậc thang theo đường đồng mức cũng là một cách giữ nước. Tuy nhiên, chi phí múc đất cao, lượng phân bón và chất hữu cơ cần đầu tư lớn và thời gian để phục hồi đất dài vì lớp dinh dưỡng bề mặt đã bị cạo đi.
Anh Sự cũng chia sẻ chân tình cùng bà con: “Vườn ươm bản địa thật sự cần thiết cho việc canh tác sinh thái. Thổ nhưỡng nào có cây đó. Chỉ cần đam mê, sưu tập và đánh dấu cây trên rừng, canh mùa hạt rụng là đi nhặt về ươm”. Anh Sự, chị Huyền, Bác Minh và nhiều khu vườn khác đã áp dụng nguyên tắc trồng cây giống bản địa trong canh tác sinh thái. Họ chỉ đặt cây con bản địa một lần từ hàng xóm, sau đó tự chiết cành nhân dần ra diện tích lớn hơn dựa trên khả năng họ có: sức mình đến đâu, đầu tư đến đó. Chị Huyền thích trồng từ cây rễ trần (nhổ cây con nảy mầm từ tự nhiên) vì những cây này khỏe, tỉ lệ sống trên 90% và là giống bản địa. Dĩ nhiên người nông dân phải chăm chút các cây con hơn chăm con mình vào giai đoạn đầu.
Không có gì gọi là cây dại. Mọi thứ đều có giá trị, không thừa
Khi chuyển đổi từ vườn keo độc canh sang vườn đa canh sinh thái, anh Tiến, Cao Quảng đã giữ nguyên nền đất dốc với các cây rừng còn sót lại, không phá đất, không đốt. Khi trồng mới, anh chỉ đào hố trên đường đồng mức, những cây bụi chung quanh thì được hạ xuống để làm vật liệu tủ một lớp dày quanh gốc. Những cây bụi trên đường đồng mức cũng được giữ lại để chặn không cho dinh dưỡng bị rửa trôi. Những cây này trở thành một vườn ươm tự nhiên giúp cây con mới trồng được che bóng và được hít thở bầu khí mát mẻ chung quanh. Anh cũng không bón phân chuồng. Nền đất và lớp tấp tủ đủ để cây phát triển bộ rễ theo chiều sâu để hút dinh dưỡng từ mẹ đất. Theo cách này, cây của anh Tiến thích ứng nhanh và trở nên tươi tốt. Anh chỉ cần tưới trong mùa hè đầu tiên. Sang năm thứ hai, cây con đã có thể tự hút được nước và dinh dưỡng từ lớp đất mặt màu mỡ được giữ lại và tấp tủ thêm.

Trong vườn anh Sự có trên dưới 50 loài khác nhau. Rừng cây bản địa trên đỉnh đồi, các loại cây ăn quả và hồ trữ nước ở lưng chừng, vườn rau và vườn ươm dưới thấp. 50 đàn ong được rải khắp từ trên xuống dưới. Vườn anh như một kho dược liệu khổng lồ, bất cứ cây gì tìm thấy trên đất đều có công dụng của nó: cây chè, ngũ da bì, chùm ngây, sâm đất, sâm cao, sâm bách bộ, trinh nữ hoàng cung, ngũ da bì rừng, đinh lăng, dây trứng thằn lằn, mác mật, cây đào, cỏ cóc, cây chó đẻ, khoai môn đen xưa cổ, cây riềng, cây ổ quạ, …. Trong vườn anh, không có gì là cỏ dại, mọi thứ đều có giá trị, anh chia sẻ.
Nền kinh tế vừa đủ, con người sống thanh tịnh, hài lòng với cái hiện tại
‘Ai cho tôi 50 triệu, tôi cũng không vui bằng khi mình bán được 10 triệu các sản phẩm chính tay mình làm ra’, đó là lời tâm sự của bác Minh, thôn Phú Minh, xã Liên Trạch. “Một ngày nếu tôi không vào vườn thì rất nhớ và chịu không nổi, các loại rau ở đây mỗi thứ trồng một ít là chán ăn rồi!”, bác chia sẻ thêm.
Làm nông nghiệp tự nhiên thì năm được năm mất, cần phải trồng đa canh, đa tầng tán để có cái này bù cái kia, lấy ngắn nuôi dài. Cứ trồng thử 1 năm, nếu thấy có kết quả tốt thì mới trồng thêm. Đặc biệt nguyên tắc của vườn rừng: 30% trên đỉnh đồi phải giữ lại rừng và trồng thêm cây bản địa. Đây là nguồn nước cung cấp cho cả khu vực phía dưới, một khi rừng bị chặt đi, nguồn nước sẽ bị mất theo.
Không đầu tư bên ngoài ngay cả việc mua phân chuồng, phải tạo ra nền kinh tế tuần hoàn trong khu vườn rừng: chăn nuôi cung cấp phân và làm thấp cỏ dại; rừng cung cấp lá, nguồn nước; tất cả nuôi đất, đất nuôi cây, cây nuôi người. Cũng phải có nhiều nguồn thu khác nhau từ nhiều loại cây trồng, chăn nuôi, nuôi ong và ngay cả từ việc thu hoạch và bán lá / quả thông trong tháng 11 chuẩn bị vào mùa Giáng Sinh cũng giúp đa dạng thêm nguồn sinh kế cho một người nông dân sinh thái.
Người nông dân sinh thái không bao giờ mắc nợ, sống vừa đủ và an nhiên với những gì mình làm ra. Khi người khác đi tìm 1 giá trị để sống thì sẽ tìm đến họ. Những câu chuyện truyền cảm hứng sẽ được lan tỏa. Hữu xạ tự nhiên hương!
Muốn nhanh phải đi từ từ
Theo quy luật tự nhiên, cây con từ từ mới lớn, chậm nhưng tuổi thọ bền và cao. Muốn nhanh, cây phổng phao thì cho đạm vào. Cây con mua từ vườn ươm đã được sống trong môi trường quý tộc đầy dinh dưỡng, khi mang về trồng tại các rẫy của bà con không được chăm sóc kỹ sẽ dễ chết, đặc biệt khi nông dân chưa có sẵn công để trồng. Nếu bà con có vườn ươm tại chỗ, chăm sóc trong điều kiện thiếu thốn, cây con sẽ quen khổ rất dễ thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Thêm nữa, bà con có thể chủ động trồng bất cứ lúc nào có công và khi thời tiết thích hợp để trồng cây.
‘Tôi đã đi học các trồng tiêu ở nhiều nơi, vào tận Đắc Lắc. Ở đấy người ta dùng phân và thuốc hóa học rất nhiều, cây tiêu ban đầu cho thu nhiều nhất vào năm thứ 3 thứ 4, đến năm thứ 6 thứ 7 đã bắt đầu tàn. Tôi không theo, tôi tự làm theo cách canh tác sinh thái của mình, chậm nhưng bền. Tiêu của tôi có thể thu đến năm thứ 15, sau đó năng suất mới giảm. Còn đối với những hộ chỉ trồng vài gốc thì họ có thể ăn đến 30-40 năm’, đó là chia sẻ của bác Minh.
Đầu tư cho thế hệ tương lai
Người nông dân sinh thái là những con người không chỉ thấy những gì có lợi trước mắt, những gì mang lại nguồn thu thấy được cho bản thân. Đầu tư vào sinh thái là đầu tư vào tương lai, đầu tư cho một cộng đồng và một xã hội lớn hơn.
Chị Huyền không bao giờ dùng hệ thống tưới tự động vì làm như thế sẽ rút cạn suối đầu nguồn. Chị cũng hạn chế giăng ống tự động vì sẽ sản sinh những vi nhựa trong vườn của mình.
“Tôi không bao giờ bón phân hóa học vì nó sẽ thấm và làm ô nhiễm nguồn nước dưới kia, nơi tôi và nhiều nông dân khác nuôi vịt”, bác Minh chia sẻ
Để trả lời cho câu hỏi của bà con đến từ Lâm Đồng: ‘Tại sao anh không mắc ống lớn hơn để dẫn nước từ nguồn về vườn của mình?’ Anh Sự, người dẫn đường cho đoàn đã trả lời: ‘Nguồn nước chỉ có vậy, ống lớn hơn sẽ rút cạn nguồn nước.
Chuyến hành hương của những người hành hương Hy Vọng
Chuyến đi đã khép lại trong niềm hy vọng của những người nông dân đang trong quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái tại Lâm Đồng. Niềm cảm hứng giữ rừng, giữ đất, giữ môi trường cho thế hệ tương lai tiếp tục thôi thúc nông dân và nhân viên Caritas Đà Lạt. “Đi tham quan mô hình thì phải làm cho bằng được! Cứ làm đi rồi lâu lâu mình gặp nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm cho nhau và cùng kể câu chuyện thay đổi để thúc đẩy nhau tiếp tục tiến bước”, đó là lời tâm sự của một thành viên trong chuyến đi. Tất cả các ước mơ của mọi người trong đoàn cuối cùng được dâng cho Đức Mẹ La vang như những người con thảo đứng dưới chân Mẹ. Xin Mẹ trở nên ngôi sao mai dẫn đường cho bước chân của chúng con và bảo trợ chúng con trên con đường xây dựng niềm Hy Vọng cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội, cha trái đất và cho thế hệ mai sau.
Grace Phúc