17 nhân viên, đại diện cho 5 dân tộc anh em K'Ho, Mạ, Churu, Cil, M'nông và Kinh tại Lâm Đồng, đã mang theo những trăn trở và mong mỏi tìm ra đường hướng cho việc phát triển sản phẩm cộng đồng tại địa phương. Chuyến đi này là cơ hội để các nhân viên khám phá những mô hình thành công, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, từ đó tìm kiếm giải pháp cải thiện sinh kế cho cộng đồng.

HÀNH TRÌNH KẾT NỐI TRI THỨC VÀ THỰC TIỄN

Làng Gạo - Cộng đồng sống xanh và nông nghiệp sinh thái

Làng Gạo, tọa lạc tại cụm 7 Sui Quán, Khánh Thượng, Ba Vì, Hà Nội, là một cộng đồng tri thức với hơn 20 hộ gia đình và 100 thành viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái sống bền vững, kết hợp nông nghiệp sinh thái với giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi. Các hoạt động ở đây đều gắn kết với những nền tảng cơ bản của cuộc sống: Sức khỏe – Giáo dục và Trải nghiệm sống.

Người dân nơi đây không chỉ trồng trọt, mà còn phát triển Hợp tác xã Chân Minh để liên kết sản xuất với nông dân địa phương, tạo ra các sản phẩm sạch như mật ong, gạo, miến dong, trà hoa cúc và các chế phẩm từ gừng - nghệ. Lợi nhuận thu về được tái đầu tư vào các hoạt động cộng đồng, góp phần xây dựng một mô hình kinh tế tuần hoàn.

Image
Chị Nguyễn Thị Xuân Quỳnh - Một trong những thành viên đầu tiên của Làng Gạo
đang giới thiệu về các hoạt động nông nghiệp của làng 

Nơi đây, những người làm nông chân chất hoàn toàn nói không với hóa chất độc hại, từ khâu sản xuất đến đóng gói thành phẩm. Trên diện tích 2 hecta màu mỡ, mỗi vụ mùa thu về khoảng 8 tấn gạo thơm ngon. Những thửa ruộng được chia thành từng khoảnh nhỏ, tách biệt nhau, giúp giảm thiểu sự lây lan sâu bệnh. Các đơn hàng được bán ra hoàn toàn dựa trên uy tín của làng, khách hàng tìm đến qua những mối quan hệ xã hội và lời giới thiệu truyền miệng, nên mọi người thường không thắc mắc về giá hay chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, người dân không phải tốn nhiều thời gian cho việc tư vấn, giải thích, mà chỉ cần tập trung vào việc sản xuất và ghi nhận đơn hàng.

Khi người Tày thì rời bỏ nhà gỗ để xây nhà bê tông, còn người Kinh lại rời nhà xây để tìm về nhà gỗ

Bên cạnh sản xuất, Làng Gạo còn chú trọng bảo tồn kiến trúc truyền thống. Những ngôi nhà trong làng được người dân mua lại từ nhà sàn của người Tày, từ khung gỗ, sàn nhà đến từng thanh gỗ, rồi cẩn thận vận chuyển từ Tuyên Quang về đây. Làng có một xưởng chuyên gia công, dựng nhà theo kiến trúc nhà sàn hoặc nhà gỗ lợp lá tranh, từng ngôi một, tạo nên một không gian vừa hoài cổ vừa ấm cúng.

Image

Ở đây, không chỉ có những căn nhà riêng lẻ, mà cả làng còn cùng nhau dựng lên nhà sinh hoạt chung, nhà đón khách, khu giảng dạy và không gian dành cho các hoạt động giáo dục. Một điều đặc biệt là cửa nhà trong làng chẳng khóa bao giờ, luôn rộng mở đón chào bất cứ ai ghé thăm. Những ai muốn định cư lâu dài để “thay đổi lối sống” mà không có nhà, không có đất thì cả làng sẽ cho ở nhờ. Sống ở đây, con người dần thay đổi thói quen: ít tiêu xài hoang phí, không còn những cuộc hẹn quán xá xa hoa, không chạy đua với các địa điểm check-in, mà tận dụng những gì đang có, dùng thực phẩm chay tự trồng, và hơn hết, tận hưởng nhịp sống an nhiên giữa thiên nhiên thanh bình.

Tại Làng Gạo, mọi người giúp đỡ nhau trông nom con trẻ, nếu nhà nào có việc bận có thể gửi con qua nhờ nhà khác trông giúp. Các em sinh hoạt cùng nhau, cùng phụ giúp việc nhà và được học những kĩ năng cơ bản của cuộc sống như nấu ăn, dọn dẹp, đón tiếp khách, phụ giúp người lớn,...Mọi hoạt động sinh hoạt, từ giáo dục đến quản lý nguồn lực, đều được vận hành theo tinh thần cộng đồng, tôn trọng thiên nhiên. Để vận hành các hoạt động của làng, mọi người lập ra nhiều ban: Ban sản xuất, ban kinh tế, ban giáo dục, truyền thông, sức khỏe, hậu cần và cả ban người cao tuổi... Ai có năng khiếu mảng nào sẽ phụ trách mảng đó. Các ban hoạt động tương trợ lẫn nhau, và mỗi tuần sẽ họp một lần để xem xét tiến độ công việc và chia sẻ ý tưởng

"BÍ QUYẾT XANH" CHO NÔNG NGHIỆP SINH THÁI

Tại Làng Gạo, người dân áp dụng phương pháp canh tác bền vững bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm từ tỏi – thuốc lào. Đây là giải pháp thay thế an toàn cho hóa chất nông nghiệp mà vẫn đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của cây.

HTX Đồng Sương (thôn Đồng Sương, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình), người dân được nhà nước hỗ trợ xây dựng khu nhà ủ phân hữu cơ riêng biệt. Họ chủ động sản xuất chế phẩm sinh học để tưới cho cây trồng, áp dụng mô hình xen canh nhằm tăng cường đa dạng sinh thái. Đặc biệt, những luống hoa sặc sỡ được trồng đan xen không chỉ tạo cảnh quan mà còn thu hút thiên địch, giúp kiểm soát sâu bệnh một cách tự nhiên.

Image
Khu nhà ủ phân hữu cơ tại HTX Đồng Sương

Với Nhóm Dưa Leo Kim Bôi (xóm Ba Lầm – PGS Kim Bôi), "bí quyết xanh" nằm ở việc khai thác sức mạnh của phân xanh nước và vi sinh bản địa. Khi so sánh với các vườn chưa chuyển đổi khác, nhóm nhận thấy sự khác biệt rõ rệt. Các vườn sử dụng nhiều hóa chất tốn rất nhiều chi phí, cây dễ bệnh, kháng thuốc, năng suất thấp, đất, nước và môi trường xung quanh cũng ngày càng thoái hóa, ô nhiễm. Nhưng khi chuyển qua dùng chế phẩm sinh học, bà con không cần phải mua ngoài, các nguyên liệu dễ dàng tìm thấy trong tự nhiên, tạo nên một phương pháp canh tác đơn giản, tiết kiệm và thân thiện với môi trường. Công thức chế biến chế phẩm sinh học được nhóm chia sẻ rộng rãi, giúp tối ưu hiệu quả canh tác. Khi sử dụng, cần pha loãng theo tỉ lệ phù hợp để tránh dư thừa dinh dưỡng gây cháy rễ cây. Riêng vi sinh bản địa, khi áp dụng trong đệm lót chăn nuôi hoặc ủ cám, có thể dùng trực tiếp mà không cần pha loãng, giúp phân hủy chất thải, khử mùi hôi và tạo môi trường chăn nuôi sạch sẽ, lành mạnh.

Image
Hành trình cải tạo đất và công thức làm chế phẩm sinh học được nhóm Kim Bôi chia sẻ 

BẢO VỆ UY TÍN NÔNG SẢN SẠCH: GIẢI PHÁP TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Hợp tác xã Đồng Sương: Minh bạch từng sản phẩm

Mỗi hộ sản xuất nông sản hữu cơ tại HTX Đồng Sương đều được cấp một mã tem riêng, giúp truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Quy trình thu hoạch, đóng gói, dán tem và kích hoạt mã QR đều do chính bà con thực hiện qua ứng dụng trên điện thoại, đảm bảo sự chuẩn chỉnh trong từng khâu. Hệ thống tem truy xuất này đặc biệt phù hợp với các chuỗi cung ứng lớn, nơi sản phẩm nhập về từ nhiều nguồn khác nhau.

Image

Nhóm Dưa Leo Kim Bôi: Ngăn chặn hàng giả, bảo vệ thương hiệu

Khác với HTX Đồng Sương, nhóm Dưa Leo Kim Bôi không sử dụng tem dán theo ngày mà áp dụng in mã QR trực tiếp trên bao bì. Để ngăn chặn tình trạng đánh tráo sản phẩm, mỗi mã QR được kích hoạt theo ngày xuất hàng và chỉ có hiệu lực trong vòng một tuần. Điều này giúp bảo vệ thương hiệu Kim Bôi khỏi những đơn vị lợi dụng bao bì của nhóm để phân phối hàng kém chất lượng.

Việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp nhà cung ứng kiểm soát sản phẩm tốt hơn mà còn mang đến cho khách hàng sự an tâm tuyệt đối. Chỉ với một thao tác quét mã QR, người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, góp phần xây dựng một thị trường nông sản sạch, minh bạch và đáng tin cậy.

CỬA HÀNG BÁC TÔM – ĐẦU RA NÔNG SẢN SẠCH

Tên gọi "Bác Tôm" được lấy cảm hứng từ nhân vật trong tiểu thuyết Túp lều Bác Tôm – một người quản gia trung thực, tận tụy và giàu lòng yêu thương. Đó cũng chính là giá trị cốt lõi mà hệ thống Bác Tôm luôn hướng tới khi phục vụ khách hàng.

Từ năm 2009, kỹ sư Trần Mạnh Chiến khởi đầu hành trình với cửa hàng đầu tiên tại số 6 Nguyễn Công Trứ. Từ những bước đi nhỏ, Bác Tôm dần trở thành nhà cung ứng tiên phong về thực phẩm sạch trong mạng lưới PGS, đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm định nghiêm ngặt. Đặc biệt, hệ thống có đội ngũ giám sát trực tiếp tại các vùng sản xuất, sẵn sàng chấm dứt hợp tác với bất kỳ đơn vị nào vi phạm quy tắc an toàn thực phẩm. Tính đến hiện nay, Bác Tôm đã có 15 năm kinh nghiệm trong ngành với hệ thống gồm 20 cửa hàng tại Hà Nội.

Image
Cửa hàng đầu tiên trong hệ thống của Bác Tôm đã đồng hành cùng khách hàng được 15 năm

Không chỉ cung cấp thực phẩm, Bác Tôm còn đồng hành cùng mạng lưới PGS, hệ thống đầu tư cơ sở hạ tầng, tập huấn kỹ thuật tận nơi, giúp bà con mạnh dạn phát triển mô hình bền vững với đầu ra ổn định.

Một điểm đặc biệt tại Bác Tôm là mô hình quản lý minh bạch: hầu hết cửa hàng đều được chia cổ phần cho nhân sự điều hành và giám sát hệ thống. Các nhà cung cấp ưu tiên là hộ nông dân, hợp tác xã, hệ thống cũng không trực tiếp sở hữu trang trại nào nhằm đảm bảo công bằng khi lựa chọn nguồn hàng chất lượng cho khách hàng.

Khi đến thăm kho đóng hàng của doanh nghiệp, chúng tôi được nghe thêm về văn hóa làm việc tại đây: “Đề cao sự trao quyền và thúc đẩy tinh thần tham gia”. Đặc biệt, trong những dịp gặp gỡ, thay vì bia rượu hay thuốc lá, nhân viên và đối tác cùng nhau chia sẻ trải nghiệm sống, tận hưởng thực phẩm hữu cơ và lan tỏa cảm hứng về một lối sống lành mạnh, bền vững.

NHỮNG CON NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG

Tại Làng Gạo (cụm 7 Sui Quán, Khánh Thượng, Ba Vì, Hà Nội), những con người tri thức đã quyết định rời xa phố thị nhộn nhịp, từ bỏ cuộc sống tiện nghi để bắt đầu lại từ đầu nơi vùng quê hẻo lánh. Họ học cách cầm cuốc, làm nông và khi đối diện với khó khăn, họ không chùn bước mà tiếp tục học hỏi để tìm ra giải pháp.

Ở Hợp tác xã Đồng Sương (thôn Đồng Sương, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình), dù trong nhóm không có một thanh niên nào, chỉ toàn những bác nông dân lớn tuổi, nhưng không ai ngần ngại việc học hỏi để thay đổi. Các bác kể rằng có lúc phải mất cả buổi, thậm chí cả tuần mới nắm được một kỹ năng, nhưng với sự kiên trì, giờ đây họ đã có thể sử dụng smartphone, đăng nhập vào ứng dụng, kích hoạt mã sản phẩm và theo dõi thông tin đơn hàng một cách thuần thục.

Kỹ sư Trần Mạnh Chiến – Founder của Hệ thống Bác Tôm với xuất phát điểm không liên quan đến kinh doanh, lại đang có công việc ổn định, nhưng vẫn quyết định thử sức với nông sản sạch – một lĩnh vực đầy thách thức vào thời điểm năm 2009 khi ít người quan tâm và nguồn cung còn khan hiếm. Đã có lúc anh muốn bán lại doanh nghiệp, nhưng bằng sự kiên trì, anh đã phát triển hệ thống thành chuỗi 20 cửa hàng tại Hà Nội, góp phần mang thực phẩm sạch đến với nhiều gia đình.

Còn ở nhóm dưa leo Kim Bôi (xóm Ba Lầm, huyện Kim Bôi, Hòa Bình), những người nông dân dám bước qua định kiến, chuyển đổi từ canh tác lúa sử dụng phân thuốc sang mô hình đơn canh, luân canh. Dù đối mặt với nhiều lời dị nghị, họ vẫn kiên tâm theo đuổi phương thức canh tác bền vững, từng bước khẳng định giá trị nông sản của mình.

Image
Vườn dưa nếp bản địa xanh mướt, tốt tươi, hoàn toàn không dùng bất kì hóa chất nào
là niềm tự hào rất lớn của nhóm Kim Bôi

Mỗi đơn vị đều có một câu chuyện riêng của mình nhưng trên hành trình đó, chúng ta lại càng nhận thức rõ hơn về nông nghiệp sinh thái (NNST) không chỉ đòi hỏi sự kiên trì mà còn là một cuộc cách mạng về tư duy và hành động. Việc thay đổi thói quen canh tác cố hữu của bà con nông dân, từ việc chấp nhận sản lượng thấp hơn trong giai đoạn chuyển đổi đến việc ứng dụng công nghệ vào đóng gói và duy trì liên lạc với khách hàng, là những thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, chính trong những khó khăn đó, giá trị của sự liên đới, kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau lại càng được thể hiện cách rõ nét. Mô hình NNST không chỉ là về sản xuất nông nghiệp, mà còn là về xây dựng một cộng đồng vững mạnh, nơi mọi thành viên cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực. Với sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực và chấp nhận thay đổi,  bà con nông dân hoàn toàn có thể vượt qua những rào cản, kiến tạo nên một nền nông nghiệp bền vững, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.