Chương trình diễn ra trong bầu khí mộc mạc với sự hiện diện của Cha Giuse Trần Ngọc Hạnh – Cha xứ Giáo xứ Phi Liêng; hai đại diện liên nhóm CFGS, đại diện các ban ngành trong thôn cùng bà con cộng đồng Păng Sim và tập thể Caritas Đà Lạt. Ngoài ra, còn có sự tham dự của hai khách mời đặc biệt: anh Bùi AnhTuấn - Bùi Farm và anh Trần Văn Thân - Cà phê Samarita – đây là hai đơn vị chuyên môn và là khách mời thân thiết của nhóm Cà phê Pơ Nơm.
Pơ Nơm – Cà Phê Từ Núi Rừng
Mang tên gọi "Pơ Nơm" – nghĩa là núi rừng, nhóm luôn giữ tinh thần trân quý thiên nhiên, rừng núi và hướng đến một lối sống hài hòa với môi trường. Với các thành viên nhóm, "còn rừng là còn sống – mất rừng là mất đi sự sống".

Trong lời phát biểu khai mạc, Cha Giuse Trần Ngọc Hạnh, chánh xứ giáo xứ Phi Liêng đã gửi gắm:
“Khai trương nhà xưởng là một bước tiến mới trong hành trình phát triển của nhóm, nhưng hãy luôn nhớ: sự phát triển ấy cần gắn liền với tinh thần Kitô giáo. Hãy giữ gìn lương tâm nghề nghiệp – sản xuất trung thực, không chạy theo lợi nhuận mà làm tổn hại đến chất lượng hay đạo đức. Hành trình này chắc chắn sẽ còn nhiều gian nan, nhưng cũng là cơ hội để lan tỏa tinh thần sinh thái đến với anh chị em trong thôn làng.”
Những cột mốc đáng nhớ trong hành trình phát triển của nhóm
Nhìn lại chặng đường đã qua, nhóm cà phê Pơ Nơm đã cố gắng rất nhiều trong việc chuyển mình từ mô hình canh tác truyền thống sang hướng nông nghiệp sạch và bền vững:
- Năm 2021: Bắt đầu nhen nhóm ý tưởng chuyển đổi canh tác, xây dựng nhóm và thành lập tổ hợp tác. Ngừng hoàn toàn việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
- Tháng 9/2022: Học hỏi mô hình cà phê Oh Mi Ko Ho tại Đinh Trang Hòa và bắt đầu chuyển đổi thực tế với diện tích 1.000m² - tương đương 100 cây cà phê sạch cho mỗi thành viên.
- 2023 – 2024: Thực hành và hoàn thiện: Từ từng bước nhỏ - Nhóm hái lựa trái chín, rửa sạch, phơi giàn cao, xay nhân kỹ lưỡng. Lúc này, nhóm chưa có xưởng riêng, các công đoạn rang xay và đóng gói được thực hiện bên ngoài. Và rồi từ những khách hàng đầu tiên, nhóm xây dựng được sự tin tưởng và gắn bó – họ dần trở thành những ‘khách ruột’ thân quen.
- Đầu năm 2025: Nhen nhóm giấc mơ xây xưởng: Nhờ có Bạp An – một người trong thôn Păng Sim cho mượn nhà để làm xưởng, cùng sự hỗ trợ kinh phí của Caritas Đà Lạt và quý ân nhân, nhóm bắt tay dựng nên xưởng cà phê nhỏ. Sau đó, nhóm tiếp tục học hỏi từ anh Thân (chủ cà phê Samarita) để có thể tự tay rang xay cà phê tại xưởng của mình.
- 28.06.2025: Nhóm chính thức khai trương xưởng cà phê Pơ Nơm. Đồng thời, nhận chứng nhận CFGS cho 2 tổ PL001 và PL002.

Chứng Nhận CFGS – Minh Chứng Cho Nỗ Lực Cộng Đồng
Chứng nhận CFGS (Caritas Dalat Farmers’ Guarantee System) là một hệ thống do Caritas Đà Lạt xây dựng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm thông qua sự tham gia tích cực và giám sát lẫn nhau trong cộng đồng địa phương. Trong hệ thống này, chính bà con là người canh tác, thực hành nông nghiệp sinh thái và cũng đồng thời đóng vai trò “giám sát viên” – cùng kiểm tra, cùng học hỏi, cùng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí so với các hình thức chứng nhận khác, CFGS còn phù hợp với điều kiện thực tế của hộ nông dân – gần gũi và mang đậm tính cộng đồng. Hệ thống bắt đầu từ năm 2019 tại liên nhóm Tu Tra, và nay tiếp tục lan tỏa đến liên nhóm Phi Liêng.

Hướng tới một hành trình phía trước
Xưởng cà phê Pơ Nơm hôm nay tuy còn khiêm tốn về quy mô, nhưng đã đặt những viên gạch đầu tiên đầy ý nghĩa để mở rộng hành trình canh tác sạch, đưa sản phẩm cà phê bản địa đến gần hơn với thị trường, và lan tỏa thông điệp bảo vệ rừng – bảo vệ sự sống đến với nhiều cộng đồng khác.
Câu chuyện của Pơ Nơm là minh chứng rõ ràng rằng: phát triển không đến từ quy mô lớn ngay lập tức, mà từ lòng kiên trì, sự trung thực và cộng đồng gắn kết.
Chúc cho nhóm cà phê Pơ Nơm sẽ tiếp tục vững bước, không ngừng sáng tạo và giữ vững tinh thần sinh thái – để núi rừng không chỉ là nơi bắt đầu, mà còn là nơi khơi nguồn tương lai bền vững cho cả cộng đồng.