GIAO LƯU HỌC HỎI GIỮA PĂNG SIM VÀ PHAN SƠN
Ngày 24 tháng 2 vừa qua, từ lúc 4h sáng, vượt qua chặng đường gần 100km, cộng đồng Păng Sim đã đến thăm cộng đồng Phan Sơn và K’Líp tại xã Phan Sơn. Păng Sim là một thôn thuộc xã Phi Liêng, Đam Rông, Lâm Đồng. Bà con tại đây là người đồng bào dân tộc Mạ chủ yếu canh tác Cà Phê, một số loại cây ăn trái và trồng dâu nuôi tằm. Păng Sim làm việc với Caritas để hướng đến nông nghiệp sinh thái và phát triển cộng đồng từ năm 2020. Phan Sơn là một xã miền Duyên hải nam trung bộ, nơi vùng đồi núi thấp giáp ranh với Lâm Đồng. Một nhóm bà con là người Koho và Raglây tại đây đã cùng làm việc với Caritas Phan Thiết từ năm 2018.
Từ cao nguyên trên cao, xuôi theo con đèo Đại Ninh hiểm trở, Phan Sơn hiện ra trước mắt đón chào đoàn Păng Sim với ánh nắng mặt trời chan hòa. Ngôi nhà nguyện nhỏ bé đơn sơ bằng vách nứa là nơi chúng tôi cả lương giáo đều gặp gỡ và chia sẻ. Khởi đầu chương trình, Păng Sim đã tặng bà con nơi đây, cha phụ trách giáo họ và quý sơ Caritas Phan Thiết bài cồng chiêng và điệu múa truyền thống làm quen. Kế đó từng nhóm 3 người một của 2 cộng đồng đã cùng chào hỏi, làm quen để biết về nhau. Phan Sơn thì biết Păng Sim làm việc gì, nuôi những con vật gì? nhà có bao nhiêu thành viên và ước mơ của người bạn mình. Ngược lại, Păng Sim biết được vùng Phan sơn bà con trồng lúa, mì, khoai, nuôi trâu, nuôi bò để sinh sống. Cuộc trò chuyện phá tan không khí xa lạ, từ đó đem mọi người đến gần nhau hơn. Păng Sim và Phan Sơn là hai địa danh dường như có duyên với nhau từ tên gọi, cả hai đều là “P – S”. Có lẽ Ông Trời đã lấy đó làm cơ duyên, tạo nên niềm vui rất đỗi đơn giản cho 2 cộng đồng trong ngày gặp mặt. Buổi gặp mặt rất nhiều niềm vui và ý nghĩa cho cả 2 bên.
Buổi giao lưu học hỏi đi vào nội dung chính. Phan Sơn chia sẻ mô hình nhóm các chị em thêu khăn tay để kiếm thêm thu nhập. Kế đó cộng đồng K’Típ chia sẻ nhóm làm rượu cần. Chúng tôi được biết rằng khi làm việc chung, nhóm rượu cần ngày càng đoàn kết hơn, chị em càng thấy ý nghĩa hơn nữa khi cùng nhau gìn giữ văn hóa truyền thống. Một hình ảnh rất chân thật được chia sẻ: “Khi làm rượu cần chung rất là vui, cười nhiều, đôi khi uống say nằm luôn đó, nói chuyện, cười đùa”.
Păng Sim chia sẻ điều gì cho Phan Sơn?
Păng Sim đã chia sẻ về việc hình thành và duy trì nhóm cồng chiêng. Qua chia sẻ của các bạn vùng Tây Nguyên, anh chị em người Koho tại Bình Thuận đã nhớ về truyền thống ngày xưa của dân tộc mình nay không còn và mơ ước có một ngày nào đó khôi phục cồng chiêng như vậy. Hai bên đã giao lưu văn nghệ và các điệu múa truyền thống. Với sự tham gia đầy nhiệt huyết của nhóm múa thanh niên và ngộ nghĩnh của các em nhỏ, làm nên buổi văn nghệ cây nhà lá vườn đầy tiếng cười rộn rã.
Tiếp đến Păng Sim đã chia sẻ những hạt giống bao gồm, bầu, bí, bắp, mướp, đậu, rau, hành,… cho các bạn ở Phan Sơn. Với ước mong Phan Sơn sẽ gieo trồng các hạt giống này, để các hạt giống tạo nên sức sống và sinh sôi nảy nở. Cộng đồng Phan Sơn tiếp nhận hạt giống với sự trân trọng. Một người trong cộng đồng đã chia sẻ: “Cô lấy hạt đậu đen, bắp, đậu đũa, hành hương và gừng để trồng, sau này sẽ chia sẻ cho những người khác ở Phan Sơn.” Hạnh phúc cầm hạt giống trên tay với ước mơ về sự sống ấm no và sẵn sàng chia sẻ hào phóng là niềm vui lớn lao nhất của những người nông dân.
Buổi giao lưu chia sẻ kết thúc bằng bữa cơm thân mật và nồi chè “khoai rừng - Pung ” đậm tình Phan Sơn. Păng Sim hết lòng cảm ơn quý cha, quý sr và bà còn đã tiếp đón tận tình, cởi mở. Hành trình của Păng Sim tiếp tục hướng ra biển và điểm cuối sẽ là linh địa Đức Mẹ Tà Pao, nơi đó những người nông dân sẽ xin Mẹ cầu nguyện cho ước mơ của mình và của những người bạn Phan Sơn đầy yêu mến.
Thanh Tốn