Tôi cầu nguyện thế này: Lạy Thầy, con biết Thầy yêu thương con hết mực vì đã trở nên giống con. Thầy hiểu con, đau đớn như con, trải nghiệm cùng con và chính Thầy đã kéo con lên.
Tình trạng buồn không có lí do mỗi khi chiều đến khiến tôi rơi vào trầm cảm một thời gian dài. Tôi bắt đầu đi tìm nguyên nhân của nỗi buồn đó. Câu trả lời là sự “cô đơn”. Câu trả lời lại đưa cái trí này đến nhiều câu hỏi khác: “Vì sao ở cùng với nhiều người, làm việc với nhiều người, sinh hoạt với nhiều người, mà lại cô đơn?”. Tôi tiếp tục đi tìm câu trả lời cho sự “cô đơn”, hằng ngày và hằng ngày. Một buổi chiều mưa khi vừa xong việc tôi ra gốc cây ngồi và nhìn thấy 2 chú ếch núp dưới lùm cỏ. Tôi hỏi: “này anh Ếch, anh có bao giờ thấy cô đơn không?” Anh Ếch không trả lời, tôi tiếp tục ngắm một hồi nữa, hai anh ếch chơi với nhau, cùng nhau bắt côn trùng, uống ước và nhảy nhót. Tôi thấy họ vui và nghĩ rằng, chắc họ không cô đơn. Hai anh đi rất chậm từ gốc cây này sang gốc cây khác và nhảy vào 1 hốc gần đó. Ngày hôm sau, đang khi chạy xe máy, tôi ẩu tả tông chết một chú ếch đang chậm rãi qua đường. Lúc đó buồn lắm và xin lỗi rồi lấy cái que bẩy chú ếch đưa vào gốc cây. Tối đến khi xét mình tôi cầu nguyện thế này: “Chúa ơi, con muốn được như những chú ếch chậm rãi, vui vẻ, thản nhiên, làm cho nhau vui và chết lúc nào không hay, miễn sao cứ vui là được”. Cũng từ đó mà tôi biết rằng, tôi đã quá nhanh trong công việc, quá xáo động trong lời nói mua vui cho tập thể và quá lo cho cái mặc, cái ăn.
Nhanh nhảu trong công việc, xáo động trong lời nói, lo lắng mặc xấu hay đẹp, phát biểu có thu hút người khác hay không? Đó là những dấu chỉ cho thấy rằng tôi đang tìm NGUỒN VUI và HẠNH PHÚC bằng việc tiêu thụ và tích lũy của cải vật chất cũng như danh vọng. Nó làm cho tôi có những hoang mạc bên trong và từ đó tạo ra những hoang mạc bên ngoài khi ai ai cũng như thế. Dần dần tôi làm lơ trước người khác và không quan tâm đến trách nhiệm của mình với mọi người xung quanh. Nó đẩy tôi rơi vào tình trạng buồn mỗi khi ngủ dậy vào đầu giờ chiều. Nó lôi cuốn tôi bằng những lời khen trong khi nghe người khác nhận xét và bàn tán.
Như đã nói ban đầu, quả thật “hoán cải” là một con đường đầy chông gai và thử thách. Nhưng với sự tập tành chút ít, tôi đã làm thế này. Thay vì đi như một cái máy trong mọi việc thì đi chậm hơn, chậm hơn, “Dở chân lên, đưa tới và đặt xuống”. Khi đi chậm, tôi cảm nhận chân chạm vững chai trên mặt đất, hơi thở quý giá mà Chúa Thánh Thần ban cho và nhịp tim đập đều đặn. Quan sát thiên nhiên tôi thấy đàn kiến dắt nhau qua đường rất nghiên túc, trật tự. Mấy chị chim rủ nhau xà xuống bãi cỏ mới được sửa soạn gọn gàng để lượm hạt, ríu ra ríu rít rất vui. Tiếng thông reo vi vu mỗi khi chị gió thổi. Mấy bông hoa ngước mặt lên trời để nắng chạm vào mặt. Mỗi người trong họ, chẳng ai may vá, chẳng ai thêu thùa, chẳng ai chải chuốt, không ai xài sữa rửa mặt hay kem chống nắng mà vẫn đẹp. Không ai lo tiền mà vẫn có ăn, vẫn vui vẻ.
Việc ngắm nhìn thiên nhiên mỗi ngày đưa tôi đi vào bên trong, thay vì những giờ rảnh rỗi hay bàn tán mọi sự trên đời. Trong đó tôi gặp được Thầy. Tôi cảm nhận được NGUỒN VUI và HẠNH PHÚC đến từ bên trong và đến từ Thiên Chúa là nguồn mạch vĩnh cửu. Phát hiện ra những thứ hay ho đó bên cạnh cuộc đời của mình, tôi tạ ơn Chúa vì Ngài vẽ nội tâm của mỗi người chúng ta thật sống động. Từ từ, từ từ,… như vậy mỗi khi ai hỏi tôi có sợ chết không? Tôi đều trả lời: “Chết lúc nào biết đâu mà sợ”.
Nguồn vui và hạnh phúc của con
đặt ở bên trong tâm hồn
Nơi Thầy vẽ nội tâm
Những sắc màu huyền bí
Mỗi khi con xa đà vào vật chất,
hưởng thụ, thải bỏ và danh vọng
Thì lạy Thầy,
Thầy đã kéo con ra,
rửa chân con và nói:
“Này con, ta yêu con”
Thầy hôn lên trán con và nói:
“Ta yêu cả những yếu đuối của con”
Cừu Con