Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Kon Tum, chị Y Thoai – người con gái Bana – là con út trong gia đình có mười hai chị em gái. Từ thuở nhỏ, chị đã được bao bọc trong tình yêu thương của gia đình và thừa hưởng niềm đam mê dệt vải từ mẹ. Nghề dệt không chỉ là kế sinh nhai mà còn là sợi dây gắn kết các chị em, nơi họ cùng nhau gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi đường dệt, mỗi hoa văn đều mang dấu ấn của thiên nhiên, buôn làng và những bài học quý báu từ cha mẹ.

Từ nhỏ, chị Y Thoai đã có niềm đam mê với văn hóa bản địa vùng Tây Nguyên, chị bắt đầu học hỏi nghề dệt vào năm 10 tuổi dưới sự hướng dẫn kèm cặp của mẹ. Chị dành nhiều thời gian để tìm tòi các câu chuyện văn hóa thổ cẩm (về các chi tiết hoa văn, đời sống và thiên nhiên,...). Từ khoảng thời gian sau bao cấp, trong làng không còn ai dệt, ngay cả những người già trong làng cũng bỏ nghề này, khung dệt thì đem đi đốt, không còn sót cái nào. Trong bối cảnh ấy, bà mẹ 12 con rất muốn các con gái của mình sẽ là tầng lớp kế thừa và lưu giữ nghề dệt quý giá. Vâng lời mẹ, cùng lòng yêu mến nghệ thuật truyền thống, các chị em trong gia đình luôn nỗ lực, cố gắng cùng nhau.

Vào một ngày họp gia đình, cả nhà đã cùng nhau ngồi lại và lên kế hoạch để có thể tạo thị trường cho các sản phẩm dệt. Bước đầu, cả nhà đem những tấm dệt bằng len bán cho người dân tại buôn làng. Các chị em học hỏi nghề dệt rất nhanh vì đã có nền tảng từ trước, chỉ cần mẹ chỉ sơ qua, các chị em có thể hiểu và tiếp thu ngay. Khi tạo được nhiều tấm dệt hơn, gia đình thuê thêm hai người để đi bán sản phẩm. Từ đó, gia đình chị Y Thoai có nhiều thời gian để tăng sản lượng dệt và bán được nhiều sản phẩm hơn trong buôn làng.

Image

Lúc bấy giờ, gia đình kết nối thêm với Cha Liên (hiện Cha đã được Chúa gọi về) để nhờ Cha giúp lấy mẫu sản phẩm về quảng bá và trang trí trong nhà thờ. Không những vậy, Cha còn giới thiệu cho nhiều người ở xa, thậm chí là những người ở nước ngoài, vì Cha cảm thấy việc gìn giữ văn hóa truyền thống của gia đình chị là một điều tuyệt vời, cần được ủng hộ và lan tỏa đến nhiều người, nhiều miền đất hơn nữa.

Dần dà, Chị Y Thoai bắt đầu hình thành nhóm dệt để chuyên môn hóa sản phẩm, ban đầu chỉ có 2-3 người, sau này phát triển thành nhóm 32 người. Khi các thành viên tham gia nhóm sẽ được nhận một khung dệt và chính tay chị Y Thoai sẽ hướng dẫn, chỉ dạy họ, tất cả các thành viên đều có niềm đam mê, hăng say và chịu khó học hỏi. Người trẻ thì làm những lúc rảnh và họ có thêm kinh tế để trang trải cuộc sống. Từ đó, càng có nhiều người theo chị vì đỡ vất vả hơn đi làm mướn và đất đai ở Kon Tum thì ngày càng eo hẹp. Những chị em theo học có kiến thức và tay nghề tốt, sau đó cũng tự mở cửa hàng cung ứng các sản phẩm dệt, chị Y Thoai nhìn thấy thành quả này cũng rất vui mừng. Chị vẫn thường động viên các chị em về khả năng tự lực & niềm kiêu hãnh khi một người phụ nữ có nghề trong tay.

Để nghề dệt tại KonTum có thể phát triển được như ngày hôm nay, chị Y Thoai cùng đồng đội đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn. Mỗi sản phẩm ban đầu sẽ được thiết kế mẫu mã, sau đó tiến hành đan may, cuối cùng là quảng bá đến cho khách hàng.  Khó khăn lớn nhất mà chị gặp phải trong thời gian đầu là không tìm được một tổ chức hay đơn vị nào đồng hành hướng dẫn, chỉ có sự đam mê và nhẫn nại của bản thân để cố gắng vượt qua từng ngày. 

Sau hơn 10 năm làm nghề, chị đã sáng tạo thêm nhiều mẫu mã. Trải qua 20 năm thì nhà nước bắt đầu công nhận và tổ chức buổi giao lưu truyền cảm hứng nghề dệt cho dân làng mỗi năm một lần. Hiện nay, tại Kon Tum vẫn đang duy trì các nhóm khôi phục văn hóa. Đối tượng hình thành nhóm bao gồm: Những người trung niên có kiến thức & làm ra sản phẩm, những bậc cao niên có kiến thức & kinh nghiệm về nghề truyền thống, những người trẻ học hỏi & tiếp nối văn hóa. Trong đó, nhóm người già, nhóm trung niên giữ vai trò tiếp lửa, động viên. Nhóm người trẻ thì chị thúc đẩy để họ học biết về giá trị văn hóa.

Image

Sau này, chị Y Thoai học được cách tạo ra nhiều hoa văn mới lạ với ý tưởng độc đáo. Ngày càng đi sâu vào hoa văn giúp kiểu dáng các sản phẩm cũng đa dạng hơn, đặc biệt ẩn sau mỗi hoa văn đều gửi gắm một câu chuyện ý nghĩa của các dân tộc.

Để có được như ngày hôm nay, chị đã hi sinh rất nhiều, cố gắng tìm hiểu, thiết kế hoa văn, màu sắc phù hợp với thị trường. Tất cả nghệ nhân đan lát, may, dệt, len đều phải dành thêm nhiều thời gian tìm tòi học hỏi, cố gắng làm sao để khi sản phẩm tung ra thị trường, được khách hàng chấp nhận, ủng hộ, từ đó mới có thể nuôi được văn hóa lâu dài.

Ngày trước, song song với nghề dệt thì gia đình chị còn làm nương rẫy, riêng chị Thoai theo học ngành y, sau đó bén duyên với nghề ca hát và nhiều công việc khác. Từ những va chạm xã hội, chị có thêm nguồn động lực và khám phá ra ước mơ của bản thân, chị tự nhủ: “người khác làm được, thì mình cũng sẽ làm được”. Từ đó, chị từ bỏ ngành y, nghề ca hát và đi sâu vào văn hóa: dệt, ẩm thực, múa xoang, các sản phẩm đan lát và kiếm được nguồn thu nhập từ chính ước mơ của mình.

Chị rất chú trọng việc kiểm soát dòng tiền, cân đối các khoảng chi phí, tích lũy dần dần từ tiền lời bán sản phẩm, đặc biệt luôn cố gắng dành dụm một khoảng riêng để phòng hờ rủi ro, khi có bất trắc gì vẫn có tiền xoay  xở, trả tiền lương cho các anh chị em trong nhóm.

Về mặt thiết kế, các tấm vải dệt thường được cách tân theo yêu cầu của khách hàng, là sự kết hợp giữa đặc trưng dân tộc, câu chuyện bản địa thị hiếu của thị trường. Giá sản phẩm được tính dựa trên độ chi tiết của hoa văn và công của người dệt.  Ngoài ra, trong cơ sở còn nhiều sản phẩm khác nhau: túi xách, ví, khăn, áo, váy,… phù hợp với nhu cầu & túi tiền của khách hàng. Chị còn sản xuất thêm các loại rượu truyền thống như rượu cần và dành 15 năm để nghiên cứu cách sản xuất rượu chùm mòi, một loại rượu đặc trưng được các thực khách ghé thăm ưa chuộng.

Mỗi lần khách ghé thăm chị sẽ dẫn khách tới nhà tranh để tham quan quy trình dệt và thưởng thức các tác phẩm dệt. Sau này, khi có điều kiện hơn, chị dẫn khách đến ngôi nhà sàn mới xây dựng.

Hiện tại, con của chị đang ở độ tuổi khám phá tri thức & hòa nhập xã hội, trong quá trình giáo dục thế hệ con cháu, chị luôn cố gắng truyền tải niềm đam mê văn hóa, cách vừa gìn giữ văn hóa vừa có thể nuôi sống chính bản thân mình đồng thời nhận được sự công nhận của xã hội. Mong muốn của chị Y Thoai là xây dựng một nhóm trẻ năng động, sáng tạo cùng nhau kế thừa và phục dựng văn hóa tổ tiên.

Chị Y Thoai nhắn nhủ: “Nếu bạn muốn khôi phục văn hóa thì phải tìm cách gắn kết văn hóa với kinh tế, gắn kết câu chuyện vào sản phẩm. Vừa nuôi văn hóa, vừa chia sẻ cho cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, để duy trì ngành dệt cần có đam mê và cố gắng, điều tiên quyết đó chính là nội lực của bản thân. Cân đối lại hình thức sản xuất, phải nuôi đam mê và cố gắng nhiều hơn nữa.”

BTT Caritas Đà Lạt