Ngày 20/9/2022 tại nhà văn hóa xã Đưng K’ Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Chương trình Lâm Sản Ngoài Gỗ Việt Nam - NTFP.EP với sự hỗ trợ của Caritas Đà Lạt đã tổ chức buổi Hội thảo xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho mật ong tự nhiên.

Tham gia hội thảo bao gồm 55 đại biểu đến từ phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội phụ nữ, Hội nông dân huyện Lạc Dương. Ủy ban nhân dân, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên xã Đưng K’ Nớ. Caritas Đà Lạt và các cộng đồng Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Bình Định của NTFP.EP. Ngoài ra còn có mặt của các thành viên tổ hợp tác ong Pơkao.

Ông Đỗ Quý Tiến - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đưng K’ Nớ phát biểu khai mạc hội thảo. Mong muốn cho mô hình của nhóm ong Pơkao tiếp tục được phát triển và mở rộng, tạo ra nhiều thúc đẩy về sinh kế cho bà con.

Image

Buổi hội thảo bắt đầu với phần trình bày của nhóm ong Pơkao. Bối cảnh và lí do nhóm ong Pơkao được hình thành với mục đích phát triển bền vững và tăng giá trị cho các sản phẩm từ thiên nhiên, cùng những ước mơ cho nhóm hoàn thiện quy trình chế biến mật và đạt được chứng nhận FHCM (nhãn hiệu tập thể châu Á).

Image

Tiến sĩ Lưu Hồng Trường – Viện trưởng Viện sinh thái học Miền Nam, Cố vấn Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) Việt Nam đã giới thiệu về Nhãn hiệu tập thể Forest Harvest (FHCM): Thương hiệu cấp vùng và qui trình chứng nhận cho các doanh nghiệp Lâm sản ngoài gỗ (LSNG) dựa vào cộng đồng.

Image

Hệ thống bảo chứng có sự tham gia (Participatory Guarantee System - PGS) “Các hệ thống bảo chứng có sự tham gia (PGS) là các hệ thống bảo đảm chất lượng hướng về địa phương. Chứng nhận các cơ sở sản xuất dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan và được xây dựng dựa trên cơ sở tin cậy, các mối quan hệ xã hội và sự trao đổi kiến thức”. (IFOAM, 2008).

PGS là gì, các nguyên tắc, đặc điểm, tầm quan trọng, quy trình cấp chứng nhận PGS… được TS.Trần Thị Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội trình bày và bà cũng lồng ghép một số mô hình mẫu để tham dự viên hiểu rõ hơn về một mô hình cần có để vận hành PGS.

Chị Đinh Thị Hồng Phúc - Phó giám đốc Caritas Đà Lạt chia sẻ câu chuyện của nhóm rau hữu cơ IEm Gõh ChuRu và chứng nhận Caritas Dalat farmers’ guarantee system – CFGS là hệ thống đảm bảo có sự tham gia của Caritas Đà Lạt.

Image

Quy trình khai thác, chế biến, và bảo quản mật ong rừng theo nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tự nhiên (FHCM) do Tiến sĩ Phùng Hữu Chính - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Ong Việt Nam (BRDC), Cố vấn Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) trình bày. FHCM là sáng kiến của chương trình lâm sản ngoài gỗ, để đạt được nhãn hiệu này cần phải đảm bảo ba yếu tố: sản phẩm đạt tiêu chuẩn thị trường và an toàn, sản phẩm được htu hoạch cách bền vững và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thu hoạch từ rừng do cộng đồng quản lý một cách bền vững.

Sau cùng là phần trình bày về quy trình, thủ tục để xây dựng, quản lý phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm (FHCM). Cấu trúc hệ thống PGS bao gồm: người sản xuất, nhóm sản xuất, liên nhóm và ban điều phối. Mỗi nhóm đều có vai trò và nhiệm vụ riêng để hình thành hệ thống PGS.

Hội thảo kết thúc bằng sự cam kết tham gia vào ban điều phối PGS từ đại diện chính quyền xã, huyện, Caritas Dalat và các chuyên gia đã tham dự trọn vẹn ngày hội thảo này.

Đặc biệt những lời đầy tâm huyết từ chủ tịch xã đến nhóm Pơkao: 'trước đây chưa từng thấy một nhóm nông dân nào tự đến xã xin thành lập tổ hợp tác...' đã tiếp thêm động lực cho nhóm mạnh dạn tham gia vào quy trình mẫu đầu tiên của châu Á xây dựng nhãn hiệu tập thể cho mật ong tự nhiên. Ước mong Đưng K’ Nớ không những phát triển được thương hiệu mật ong Pokao nhưng còn phát triển thêm nhiều sản phẩm bản địa khác. Và cầu chúc cho sự hợp tác của các đơn vị hỗ trợ được bền vững lâu dài để tạo ra sức mạnh tổng hợp đưa Đưng K' Nớ ngày càng đi lên.

Một hoạt động khác là chuyến viếng thăm nhà mật của nhóm Pơkao, các đại biểu đã đến tham quan chất lượng mật sau thử nghiệm tách thủy phần cũng làm tăng thêm niềm tự hào cho các thành viên. Những người săn ong bỗng chốc trở thành những chuyên gia khi phân tích và lý giải cho khách về việc tại sao phải tách nước ra khỏi mật, cây bút đo thủy phần mật dùng như thế nào, so sánh mật chưa tách nước và mật đã được tách nước khác nhau ra sao.

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp trong không khí hân hoan phấn khởi và hy vọng vào việc phát triển thương hiệu sản phẩm đặc sản, phát huy lợi thế đặc thù của địa phương. Những ước mong vào sự hợp tác của các đơn vị đồng hành cùng bà con lâu dài trên con đường gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. 

TT Caritas Đà Lạt