Đó là những gì tôi đúc kết được từ khóa học Giống và hệ thống hạt giống (Seeds and Seeds Systems) từ ngày 01 – 03/08/2022 tại tỉnh Nueva Ecija, Philippine. Đây là khóa học nằm trong khuôn khổ của diễn đàn APEX - Asian People's Exchange for Food Sovereignty & Agroecology và được đồng tổ chức bởi MASIPAG và PANAP cho hơn 30 thành viên đến từ các tổ chức làm việc với nông dân từ các nước Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Nepal, Philippine và Việt Nam.
Hạt giống – quyền của người nông dân
Sau phần giới thiệu và tiết mục khởi động giúp kết nối các thành viên, khóa học bắt đầu bằng bài trình bày của một thành viên đến từ tổ chức PKMT – Pakistan. Bài trình bày nhấn mạnh đến hạt giống chính là nền tảng và là quyền cơ bản của con người.
Từ cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất khi các giống lai được đưa ra thị trường như một giải pháp nâng cao năng suất để có thể giải quyết tình trạng đói ăn trên thế giới. Điều này như một câu chuyện tường thuật mở lối cho nhân loại. Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, thế giới đã bỏ qua những mặt trái của cuộc cách mạng xanh. Các giống lai sẽ đi kèm với việc trồng độc canh và sử dụng phân thuốc hóa học dẫn đến việc người nông dân sẽ phụ thuộc vào việc mua giống, phân thuốc từ bên ngoài. Thay đổi cách thức canh tác cũng dẫn đến nhiều hậu quả như suy thoái đất, môi trường bị nhiễm độc, sức khỏe con người bị ảnh hưởng. Và quan trọng hơn là hệ sinh thái trên thế giới ngày càng nghèo nàn và bị phá hủy dần. Theo nghiên cứu của tổ chức FAO trong vòng 100 năm từ năm 1900 đến năm 2000, 75% các loại giống bản địa trên thế giới đã biến mất.
Người nông dân từ vai trò làm chủ cuộc sống của mình, canh tác những gì nuôi sống mình và thế giới giờ đây đã chuyển qua làm thuê cho những đại lý phân thuốc, đại lý giống, các công ty đa quốc gia. Chuyển từ những người có quyền quyết định cuộc sống của mình thành những người phụ thuộc vào quyết định của các công ty đa quốc gia. Một lối sống mới được hình thành và những xung đột mới gây đảo lộn cuộc sống của người dân.
Trước tình trạng đó, các thành viên đến từ các nước khác cũng có cơ hội chia sẻ về những câu chuyện đến từ đất nước mình. Sự thật cho thấy, tất cả nông dân ở các nước đều gặp tình trạng về việc mất đi các giống địa phương bởi sự xâm nhập và chọn lựa các giống mới, các giống lai. Đi kèm theo đó là sự phụ thuộc vào các công ty đa quốc gia. Những người nông dân và đặc biệt là những người nông dân nhỏ mất đi sự tự do và thay vào đó là lợi nhuận sẽ đi vào tay các công ty lớn. Trong quá trình hành động để lấy lại quyền làm chủ hạt giống, người dân đã gặp nhiều thách thức như sự độc quyền của các tập đoàn cung ứng vật tư nông nghiệp, tình trạng vay mượn tài chính của chính họ, người dân thiếu năng lực trong marketting, các chính sách ủng hộ nông nghiệp hiện đại, khủng hoảng khí hậu,….
Mặt khác, những câu chuyện về những cá nhân, cộng đồng trên thế giới cũng được lan tỏa trong hội thảo. Đó là những câu chuyện về việc đấu tranh để giữ lấy quyền của nông dân qua việc làm sống lại những hạt giống địa phương, sống lại văn hóa địa phương. Đây chính là động lực để cho chúng tôi và những người nông dân vững tin hơn trên con đường đấu tranh giành lại quyền của người nông dân.
Hạt giống – sự sống của người nông dân
Ngày thứ hai của hội thảo chúng tôi được dẫn đến tham quan trang trại dự phòng của MASIPAG (Backup Farm). Backup Farm hình thành với lí do mong muốn chống lại cuộc cách mạng xanh và giành lại quyền cho người nông dân. Chúng tôi đã thật sự ngạc nhiên khi thấy rằng tại đây lưu giữ đến hơn 2000 giống lúa thuần chủng. Những giống lúa trong quá trình canh tác không cần đến phân thuốc hóa học. Và ngạc nhiên hơn khi biết rằng hơn 700 giống lúa đó được tạo ra bởi chính những người nông dân.
Tại Backup Farm, những nhân viên và nông dân của MASIPAG đã lưu giữ giống bằng cách thực hiện các trang trại thử nghiệm lúa qua từng năm, tư liệu hóa thông tin và xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu. MASIPAG có các chi nhánh theo vùng trong toàn quốc để đồng hành cùng các tổ chức nông dân thực hiện các trang trại thử nghiệm tại chính địa phương mình. Vai trò của nông dân trong hệ thống hạt giống là: bảo tồn, duy trì, nhân lên và chọn lọc. Người dân chuyển từ sử dụng giống lai sang việc sử dụng giống thuần chủng, từ phương thức canh tác phụ thuộc qua phương thức canh tác chủ động đầu vào cũng như thị trường.
Tại Back-up Farm, chúng tôi được tham quan ruộng lúa rộng hơn 20,000m2, văn phòng và kho lưu giữ giống lúa (ngân hàng hạt giống). Tất cả được thiết kế rất hợp lí cho mục đích của trang trại. Ngoài ra, chúng tôi cũng được trải nghiệm cảm giác của người nông dân khi bước xuống ruộng làm cỏ bằng tay. Hoạt động tưởng chừng như chỉ để thay đổi không khí của khóa tập huấn nhưng cho tôi cảm nhận được sự tự hào của người nông dân, cảm nhận được giá trị của các hạt giống thuần chủng được canh tác theo phương thức hữu cơ. Những loại cỏ nhổ lên từ ruộng lúa cũng chính là những loại rau dùng để chế biến trong bữa ăn. À! Hóa ra sự sống, chủ quyền lương thực của người dân bắt nguồn từ chính những hạt giống địa phương.
Bên cạnh đó, các thành viên tham dự diễn đàn chia thành 3 nhóm để cùng chia sẻ về việc làm thế nào để phục hồi hạt giống địa phương và đóng góp vào chủ quyền lương thực? Cả 3 nhóm đã vận dụng tất cả những kinh nghiệm, những kiến thức của bản thân và những cộng đồng trên thế giới để trả lời câu hỏi này. Một mặt là việc đứng lên đấu tranh chống lại các công ty đa quốc gia về giống và phân thuốc trên thế giới. Mặt khác, dễ dàng nhận thấy các hoạt động phục hồi hạt giống địa phương xoay quanh các lĩnh vực về thức ăn, văn hóa, lễ hội địa phương và quản lý hạt giống. Đó là việc xây dựng ngân hàng hạt giống, xây dựng các cộng đồng cùng nhau hoạt động, thay đổi phương thức canh tác, nâng cao nhận thức và năng lực cho người nông dân, các lễ hội hạt giống,… Qua phần trình bày của 3 nhóm và quay ngược lại ngày thứ nhất về các câu chuyện từ các cộng đồng, chúng tôi nhận ra rằng hạt giống chính là sự sống của người nông dân. Hay nói đơn giản hơn là hạt giống chính là cuộc sống của người nông dân.
Hạt giống – tương lai của người nông dân
Ngày thứ 3 chúng tôi được đến tham quan một trang trại thử nghiệm của tổ chức nông dân Barangay Warding. Tại dây có 5 tổ chức cộng đồng. Trước đây, họ thành lập với mục đích phát triển kinh tế xã hội, nhưng sau này đã hợp tác với MASIPAG để hoạt động thêm về các lĩnh vực vận động chính sách, nông nghiệp bền vững, kĩ thuật. Vào năm 2013, tổ chức nông dân này đã bắt tay vào thực hiện mô hình thử nghiệm để chọn lọc và lưu trữ giống lúa. Hiện tại trong cộng đồng có 106 hộ đang canh tác các giống lúa do MASIPAG cung cấp theo phương pháp hữu cơ.
Sau khi nghe giới thiệu về cộng đồng, chúng tôi được dẫn đến tham quan trang trại thử nghiệm của họ. Nhóm thử nghiệm có 18 thành viên và thử nghiệm 50 giống lúa khác nhau. Sau vụ thử nghiệm, họ sẽ chọn ra 10 giống lúa có ưu điểm vượt trội nhất để các hộ trong vùng đăng kí mang về trồng trên ruộng nhà mình.
Khi nghe những chia sẻ của nông dân tại đây, chúng tôi cảm nhận được sự tự hào về các hoạt động họ đang làm. Thấy được giá trị của việc canh tác giống lúa truyền thống. Khi canh tác, bà con không phải lo lắng đến việc đầu tư mua giống và phân thuốc. Sản phẩm bán ra cũng được nhóm nông dân tự định giá dựa trên chi phí và dựa trên đối tượng khách hàng. Nếu khả năng gia đình không tự bán hết sản phẩm của mình, các nhóm sẽ cùng hợp tác để kết nối thêm các nguồn lực hỗ trợ bán sản phẩm.
Kết thúc buổi giao lưu với cộng đồng là hoạt động chia sẻ hạt giống. Tất cả các hạt giống địa phương được các tham dự viên từ các nước mang tới từ vùng của họ. Một sự đa dạng và phong phú được trưng bày trên bàn hạt giống. Mỗi hạt giống là cả một câu chuyện và văn hóa của một dân tộc. Những lời cầu nguyện theo những ngôn ngữ khác nhau càng làm sống lại giá trị của hạt giống. Những hạt giống được chia sẻ giúp lan tỏa sự sống và như một hành động đế các tổ chức nông dân xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người nông dân và cho cả thế giới.
Trên đường trở về từ chuyến hội thảo, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những gì mình đã được nghe, được thấy, được hiểu sau khóa học này. Những thao thức để phục hồi hạt giống địa phương cũng đang nhen nhóm trong tôi. Và để cùng nhau tạo ra sự thay đổi, tôi mong ước bạn sẽ cùng tôi suy nghĩ và hành động:
Nếu bạn là nông dân hãy bắt đầu bằng việc sử dụng các hạt giống địa phương, đa dạng nguồn thức ăn từ chính mảnh đất của mình
Nếu bạn không phải nông dân, bạn vẫn có thể tự tìm cách tự trồng thêm nguồn rau quả cho bữa ăn gia đình mình. Còn nếu không thể, hãy ủng hộ những thức ăn có nguồn gốc địa phương và nguồn thức ăn được tạo ra theo phương thức canh tác hữu cơ hay nông nghiệp sinh thái nhé!
Maria Song Tứ