Ý LỰC SỐNG NĂM 2025 - 2026
CHỦ ĐỀ: HIỆP THÔNG TRONG SỨ MẠNG BÁC ÁI CỦA CARITAS GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT
Để tất cả chúng ta đi vào chủ đề sống là : “Hiệp thông trong sứ mạng bác ái của Caritas Giáo phận Đà Lạt”, chúng ta hãy tìm hiểu những điều căn bản khiến chúng ta có bổn phận phải phải hiệp thông trong sứ mạng bác ái: Hiệp thông là gì? Hiệp thông có nền tảng từ đâu? Đâu là sứ mạng bác ái của người Kitô hữu? Để từ đó dẫn đến sứ mạng bác ái của Caritas Việt Nam và Caritas Đà Lạt và cuối cùng mời gọi các thành viên hiệp thông trong sứ mạng này.
I. Hiệp thông là gì ?
Từ điển Công Giáo định nghĩa hiệp thông như sau: “hiệp: chung nhau”; “thông: cùng nhau hòa hợp”. Hiệp thông là: các bên hòa hợp với nhau.
Sự hiệp thông có gốc Hy lạp koinonia: tình anh em bằng hữu, sự chia sẻ, dự phần vào.
Sự hiệp thông là việc các Kitô hữu sống trong tương quan mật thiết với Chúa Kitô và với nhau. Với Chúa Kitô, Thánh Phaolô trong thư 1Cor1,9 viết: “Thiên Chúa là Đấng trung thành, người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”; với nhau, thư 1 Ga1,3 viết: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người”. Vì từ nguyên thủy, Thiên Chúa không ngừng mời gọi con người kết hợp với Ngài (GLHTCG số 27).
II. Bí tích Rửa Tội là nền tảng cho sự hiệp thông.
- Công đồng Vaticano II trong Hiến chế Giáo Hội Lumen Gentium khẳng định rằng trong Giáo hội có một sự hiệp thông sâu xa giữa tất cả mọi người đã được rửa tội: tất cả đều có chung một Đức Chúa và một Thánh Linh, họp thành một thân thể duy nhất; tất cả chia sẻ cùng một đức tin và cùng một phép rửa, cùng một ân huệ và ơn gọi, và cùng trách nhiệm và công tác (LG 32).
- Sách GLHTCG số 871 viết về các Kitô hữu như sau : “các Kitô hữu là những người, được tháp nhập vào Đức Kitô nhờ phép Rửa Tội, được thiết lập thành dân Thiên Chúa, và do đó được tham dự theo cách của mình, vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Kitô, được kêu gọi tùy theo điều kiện riêng của mỗi người, để thực thi sứ vụ mà Thiên Chúa đã ủy thác cho Hội Thánh phải hoàn thành trong trần gian…”.
- Trong Cẩm nang Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐ) 2021-2024 “Vì một Giáo Hội Hiệp hành: Hiệp thông - tham gia – Sứ mạng” để hướng dẫn về hiệp hành THĐ đã diễn giải về hiệp hành như sau : “Nhờ Bí tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống của Hội Thánh. Trong các giáo xứ, các cộng đồng Kitô hữu nhỏ, các phong trào giáo dân, các cộng đoàn tu trì, và các hình thức hiệp thông khác, nam nữ, già trẻ, tất cả chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau để nhận ra sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Ngài đến để hướng dẫn những nỗ lực nhân loại của chúng ta, thổi sinh khí vào Hội Thánh và dẫn chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa hơn cho sứ mạng của chúng ta trong thế giới”.
Như vậy, Bí tích Rửa Tội là nền tảng cho sự hiệp thông, nó đưa chúng ta vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và Con người. Sự hiệp thông mời gọi tham gia vào sứ mạng và đời sống của Hội Thánh. Hiệp thông, tham gia, sứ mạng là 3 yếu tố đi liền nhau không thể tách rời. Không thể nói đến hiệp thông mà không liên can gì đến hai khía cạnh: tham gia và sứ mạng.
III. Sứ mạng bác ái của Kitô hữu.
Dựa trên lời Chúa Giêsu dậy : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15,12) và đoạn Tin Mừng Matthêu chương 25 về ngày phán xét, cũng như dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu đã cứu giúp người bị kẻ cướp bóc lột, đã cho thấy sứ mạng bác ái của người Kitô hữu. Đây không phải là lời mời gọi làm bác ái mà là bổn phận thực thi bác ái trong đời sống của người Kitô hữu và do đó là chính sứ mạng của Giáo Hội.
Bài Tin Mừng Mt chương 25 về cảnh phán xét nói lên cái căn cốt tại sao chúng ta phải phục vụ người nghèo và tại sao Giáo Hội lại chọn ưu tiên cho việc phục vụ người nghèo. Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta nhận ra một điều bí nhiệm là: người đói khát, người khách lạ, người bị tù đầy: là một con người độc nhất, quý báu không những xét về quyền của chính người ấy- mà còn ở cốt lõi sâu thẳm nhất của bản tính con người nữa. Chúa đang ở đấy, đang nói lời của Người, đang cư ngụ giữa chúng ta một lần nữa trong xác phàm, đang mang theo với Người khát vọng sống và yêu thương” (x. Linh đạo bác ái, 2009)
Sắc lệnh về việc Thích Nghi Canh Tân Đời Sống Tu Trì - Perfectae Caritatis - cũng nhắc nhở hội dòng sử dụng tài sản nâng đỡ kẻ nghèo; Sắc lệnh về chức vụ và đời sống Linh Mục cũng nhắc tới đời sống khó nghèo của Linh Mục. noi gương Chúa KiTô khó nghèo, và cũng như gương thánh Phaolô hằng làm việc và để có phần giúp kẻ túng thiếu.
IV. Sứ mạng bác ái của Caritas.
Văn phòng Caritas Việt Nam cùng với Caritas 27 giáo phận đã cùng nhau thực hiện sứ mệnh của Giáo hội, đem Tin Mừng đến cho mọi người qua việc thực thi bâc ái, đặc biệt những người nghèo và những người bị bỏ rơi bên lề xã hội. Trong tinh thần ấy, văn phòng Caritas Việt Nam cùng với Caritas 27 giáo phận đã định hướng và triển khai nhiều dự án như khuyến học, bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường, hỗ trợ người khuyết tật, người tâm thần, HIV.AID, cứu trợ, di dân, phòng chống buôn người, lắp đặt hệ thống nước sạch.. Đặc biệt Caritas VN cũng như các giáo phận không ngừng mở rộng mạng lưới, phổ biến linh đạo, và sứ mạng của Caritas đến các giáo xứ, bởi đây là sứ mạng của người Kitô hữu. (trích Hiệp thông 144: lời ngỏ của UBBAXH-CARITAS Việt Nam)
Tông huấn Vita Consecrata gọi người nghèo là những người bị áp bức, những người bị gạt ra ngoài lề, những người già cả, những người bệnh hoạn, những trẻ em, tất cả những ai bị coi và bị đối xử như những người rốt hết trong xã hội.
Văn bản chung kết của THĐ Giám mục về Hiệp hành số 19 viết: “Trong trái tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo” (NVTM. EG 197), những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và những người bị loại trừ. Do đó, họ cũng ở trong trái tim của Giáo hội. Nơi họ, cộng đoàn Kitô hữu gặp được dung mạo và thân mình của Chúa Kitô, Đấng vốn giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta có thể trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người (x. 2Cr 8,9). Việc ưu tiên lựa chọn người nghèo vốn tiềm ẩn trong đức tin về Đức Kitô. Người nghèo có sự hiểu biết trực tiếp về Đức Kitô đau khổ (x. NVTM, số 198), điều này làm cho họ trở thành những sứ giả của ơn cứu độ được đón nhận như một hồng ân, và là những chứng nhân của niềm vui Tin mừng. Giáo hội được kêu gọi trở nên nghèo với người nghèo - thường là thành phần chiếm đa số trong các tín hữu - và lắng nghe họ, cùng học với họ cách nhận ra các đặc sủng mà họ được Chúa Thánh Thần ban cho. Giáo hội cũng cần học để nhìn nhận họ như là những tác nhân của việc loan báo Tin mừng.
Với định hướng: ĐẾN VỚI NGƯỜI NGHÈO của Đại hội Caritas Việt Nam 2023 tổ chức tại giáo phận Kontum, các thành viên Caritas đã cùng nhau bước đi , chia sẻ và đồng hành với người nghèo về vật chất, sức khỏe, kiến thức, đời sống tâm linh, và cả những mối quan hệ xã hội. Những người này không chỉ phải đối mặt với khó khăn về kinh tế, mà còn gặp phải nhiều rào cản về tinh thần, tâm lý và sự cô lập trong cộng đồng. (trích Hiệp thông 144, lời ngỏ)
V. Hoạt động bác ái của Caritas Đà Lạt.
1. Tại các giáo xứ, Caritas tùy sáng kiến, điều kiện để làm việc bác ái, từ thiện, trong đó có sự kết hợp hoạt động bác ái với các đoàn thể…đã làm được nhiều việc bác ái khác nhau…
2. Các chương trình do văn phòng Caritas Đà lạt: Khuyến học của giáo phận, khuyến học từ Caritas việt Nam, học bổng Con Đường Sáng, chương trình Vi tín dụng, chương trình Phát triển tự dân, tham gia phục vụ người tâm thần Trọng Đức, bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường, hỗ trợ người khuyết tật …
VI. Hiệp thông trong sứ mạng bác ái của Caritas Đà Lạt.
Như chúng ta đã đề cập ở trên, sự hiệp thông có gốc tiềng Hy lạp koinônia diễn tả tình anh em bằng hữu, sự chia sẻ, dự phần vào. Là việc người Kitô hữu sống mối tương quan với Chúa Kitô và với nhau. Vì thế, hiệp thông trong sứ mạng bác ái luôn mang tính tham gia. Sự hiệp thông và tham gia trong sứ mạng này đa dạng cả về tinh thần lẫn những hoạt động cụ thể.
- Hiệp thông trong tinh thần khi hướng về các hoạt động bác ái: như cùng lắng nghe Chúa Kitô và lắng nghe nhau. Lắng nghe Chúa Kitô trong cầu nguyện, vì gặp gỡ Chúa là nền tảng và là chìa khóa của sự hiệp thông, đồng thời, khi gặp được Chúa, chúng ta cũng sẽ dễ dàng gặp gỡ được những người là đối tượng trong sứ mạng bác ái của Caritas. Lắng nghe Chúa Kitô, chúng ta sẽ cảm thấy được thúc đẩy để tham gia bằng hành động vào các chương trình của Caritas giáo phận. Bên cạnh đó hiệp thông trong tinh thần cũng đòi phải lắng nghe nhau trong các hoạt động bác ái. Có lắng nghe, ta mới có thể thấu hiểu và từ đó hiệp thông với nhau trong tình yêu thương. Không phải chỉ hiệp thông trong công việc, nhưng trên hết, phải là hiệp thông trong yêu thương. Yêu thương và phục vụ luôn đi đôi với nhau. Yêu thương sẽ dẫn đến tham gia phục vụ, và phục vụ là cách thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ nhất về sự yêu thương. Chỉ khi yêu thương, ta mới sẵn sàng phục vụ và đến với những đối tượng được phục vụ một cách cách vô vị lợi. Đức Thánh Cha Phanxicô luôn hành động cho những người yếu thế và dậy chúng ta hãy có một trái tim nhận hậu để có thể quan tâm đến những người nghèo.
Khi chúng ta hiệp thông trong sứ mạng bác ái của Caritas, thì việc hướng đến tha nhân sẽ như một cách nối dài và lan lỏa tình yêu thương của Chúa, đặc biệt là đến với những người nghèo. Ngày nay con người cần sự chia sẻ không chỉ về vật chất, mà cả về tình thương, sự thấu hiểu, và những lời cảm thông khích lệ chân thành.
- Hiệp thông trong những hoạt động bác ái
Trong đoạn Tin Mừng Matthêu 25 về ngày phán xét và dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, việc bác ái sẽ không chỉ dừng lại ở tinh thần mà thúc đẩy chúng ta có những hành động cụ thể: đói cho ăn , khát cho uống, rách rưới cho đồ mặc, đau yếu và ở tù đến viếng thăm, hoạn nạn được giúp đỡ…Hiệp thông trong các hoạt động bác ái cụ thể đôi khi đòi chúng ta dấn thân, không quản ngại khó khăn, sẵn sàng hy sinh thời gian, sức khỏe để chia sẻ, chăm sóc, đồng hành. Một ví dụ rất cụ thể mà chúng ta sẽ không bao giờ quên trong đại dịch Covit19, biết bao người đã chia sẻ, đóng góp cho vùng dịch và bệnh nhân.
Đức Thánh Cha Phanxicôtrong thư gửi cộng đoàn Công Giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thỏa thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú của Tòa Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam (8/9/2023 đã viết : “ Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thực thi bác ái một cách cụ thể, nghĩa là phải có một quyết định hành động cụ thể cho con người, như đã được thực hiện trong mầu nhiệm Vượt qua và được Hội Thánh không ngừng thể hiện trong suốt dòng lịch sử, vì “trong mọi nơi và ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các Kitô hữu được mời gọi lắng nghe tiếng than khóc của người nghèo khổ”(TH.NVTM n.191).Chính tinh thần này, đã không ngừng thúc đẩy cộng đoàn Công Giáo của anh chị em có những đóng góp tích cực và ý nghĩa để phục vụ dân tộc, đặc biệt trong đại dịch Covid-19”.
Ngài cũng nhắc lại thư mục vụ của HĐGMVN đã nhắc nhở và thúc đẩy dân Chúa “Tham gia vào đời sống cộng đoàn qua việc yêu thương nhau, chân thành lắng nghe và thực thi đức ái, ngay cả với những anh chị em không cùng niềm tin, bằng cách quan tâm chăm sóc những người yếu kém và những người cùng khổ nhất”.
Kết : Các thành viên Caritas Đà Lạt thân mến,
Chúng ta đang sống trong Năm thánh Hy vọng. Niềm hy vọng của chúng ta đặt vào Chúa Kitô, Đấng đã đồng hóa mình với người nghèo khi dậy chúng ta làm phúc cho người nghèo là làm cho chính Chúa. Điều đó thúc đẩy chúng ta sống bác ái và hiệp thông trong sứ mạng bác ái của Hội Thánh nói chung, của Caritas Việt Nam và Caritas Giáo Phận Đà Lạt. Sự hiệp thông này có một linh đạo và linh đạo hiệp thông dậy chúng ta :
- Chiêm ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi trong lòng chúng ta nhờ Bí tích Rửa tội, để có khả năng thấy Chúa trên gương mặt của anh chị em xung quanh chúng ta.
- Thấy được trong đức tin bản thân chúng ta và anh chị em mình cùng hiệp nhất trong Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, để từ đó giúp chúng ta khả năng chia sẻ niềm vui và đau khổ, ước muốn và nhu cầu của anh chị em mình, biết “mang gánh nặng cho nhau”.
- Thấy điều tích cực nơi kẻ khác, kể cả người nghèo, đón nhận điều đó như là một hồng ân Thiên Chúa ban cho họ và cũng là cho mình.
File
|