Trong bầu khí háo hức của buổi học, những bàn tay luôn gắn bó với đất đai, cây cỏ, nay lại tần mẫn điều chỉnh bố cục, lựa góc quay, căn ánh sáng và chăm chút từng khung hình cho sản phẩm của chính mình.
Vào hai ngày 27 và 28 tháng 5 vừa qua, tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Lạt, 22 nông dân đại diện cho các nhóm cộng đồng PLD đã tham dự buổi tập huấn do Caritas Đà Lạt tổ chức với chủ đề: “Kỹ năng xây dựng nội dung quảng bá sản phẩm online”. Chương trình được hướng dẫn bởi chị Trần Thanh Nhàn – chuyên viên truyền thông với hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội dung số và tiếp thị trực tuyến, mang đến nhiều kiến thức thực tiễn và ứng dụng thiết thực cho bà con nông dân trong hành trình quảng bá sản phẩm địa phương.
Để bước vào khóa học, bà con mang đến những gì tốt nhất mình có: sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đồ thủ công truyền thống, vật dụng trang trí, và đặc biệt là một tinh thần ham học hỏi. Mỗi nhóm được ban tổ chức hỗ trợ tặng thêm một chiếc Tripod – công cụ cần thiết giúp quá trình quay chụp được dễ dàng hơn.
Bài học từ thực tiễn, khơi dậy năng lực sáng tạo
Khóa học được thiết kế với lộ trình đơn giản, thực tiễn nhưng không kém phần sâu sắc. Bà con được hướng dẫn từ những khái niệm nền tảng như: tạo kênh mạng xã hội, chọn nội dung phù hợp, lập “cây nội dung”, kỹ thuật quay phim – chụp ảnh đến cách dựng video cơ bản bằng Capcut.
Một trong những nguyên tắc quan trọng để có bức ảnh đẹp gồm: ánh sáng – bố cục – màu sắc – sản phẩm. Điều thú vị là giảng viên không quên nhắc đến chi tiết nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng: lau sạch ống kính trước khi quay – điều mà nhiều người thường bỏ sót.
Kỹ năng viết bài, lên lịch chăm sóc fanpage, sáng tạo nội dung hiệu quả và tiết kiệm thời gian cũng được truyền đạt rõ ràng. Với sự khuyến khích từ giảng viên Thanh Nhàn, bà con được hướng dẫn cách làm nội dung theo lịch trình hợp lý: dành 1 ngày để lên ý tưởng, 2-3 ngày để thực hiện và duy trì đăng bài đều đặn 2-3 lần/tuần.
Trại Sáng Tác – nơi bà con thỏa sức sáng tạo
Điểm nhấn đặc biệt của khóa học là phần thực hành trực tiếp trong khuôn viên của Trung Tâm Mục Vụ – nơi bà con được tự mình lên ý tưởng, quay video, chụp ảnh và viết bài cho sản phẩm của chính nhóm mình.
Ban đầu, không ít người còn bối rối, ngập ngừng, thậm chí có lúc điện thoại bị đơ, mất sóng wifi khi thời gian thực hành sắp hết. Thế nhưng, bằng tất cả nỗ lực, bà con cũng đã cho ra sản phẩm đầu tiên. Khi xem lại video của chính mình trên màn hình lớn, người thì bật cười, người lại ngượng ngùng, nhưng ánh mắt thì sáng lên vì vui – vì lần đầu tiên bản thân biết tự giới thiệu sản phẩm quê mình trên chiếc điện thoại nhỏ.
Từ lo lắng đến bất ngờ
Caritas Đà Lạt – đơn vị tổ chức khóa tập huấn – ban đầu cũng có đôi chút lo lắng về nội dung lần này, sợ rằng bà con khó theo kịp trong thời gian gấp rút. Nhưng nhờ cách giảng dạy dễ hiểu, thực tiễn và đầy cảm hứng của giảng viên, kết quả thu về đã vượt ngoài mong đợi.
Bà con không chỉ nắm được kiến thức mà còn thấy rằng việc làm nội dung không hề xa vời. Vấn đề còn lại chỉ là thực hành thật nhiều, để kỹ năng ngày càng nhuần nhuyễn, để rồi một ngày không xa, người nông dân có thể tự tin sáng tạo nội dung như một chuyên gia.
Kết nối và đồng hành
Sau khóa học, một nhóm Zalo chung được thành lập để mọi người tiếp tục kết nối, hỗ trợ và cập nhật những chia sẻ mới từ giảng viên và các thành viên khác. Tinh thần học hỏi không dừng lại sau lớp học, mà đang dần trở thành một thói quen mới trong cộng đồng nông dân thời đại số.
Caritas Đà Lạt xin gửi lời cảm ơn chân thành đến giảng viên, và đặc biệt là các anh chị nông dân – những người đã không ngại lạ, không ngại khó, sẵn lòng học để làm tốt hơn. Người nông dân hôm nay không chỉ giỏi sản xuất, mà còn đang từng bước làm chủ công cụ truyền thông, để chính họ là người kể câu chuyện của mình, của mảnh đất mình yêu, của sản phẩm mình trân quý.