Thấm thoắt, hơn một thập kỷ đã trôi qua. Nhìn lại chặng đường bốn giai đoạn của tiến trình Phát Triển Tự Dân (PLD), điều đáng trân quý không chỉ nằm ở những con số hay kết quả cụ thể, mà còn ở những giá trị tưởng chừng như không thể đo lường: sự bình an trong tâm hồn, tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ, ánh mắt tự tin của những người nông dân đang dần làm chủ cuộc sống của chính mình.
Chương trình Phát triển Tự dân không mang đến một "sự áp đặt” hay "giải pháp sẵn có", mà cùng bà con tìm ra hướng đi từ chính nhu cầu thực tế, dựa trên nguồn lực địa phương, tôn trọng bản sắc văn hoá và cam kết với sự bền vững. Từng bước một, bà con đã lựa chọn phát triển cách hài hòa với thiên nhiên, không chỉ để sống, mà còn để gìn giữ – không chỉ cho hôm nay, mà cho cả thế hệ mai sau.

NGÀY TỔNG KẾT 25/07/2025
Caritas Đà Lạt vui mừng chào đón hơn 200 tham dự viên: đại diện 14 cộng đồng dân tộc thiểu số, Hội Người Khuyết Tật Lâm Đồng, quý Cha, quý tu sĩ, Ban Truyền thông Giáo phận, Caritas Phan Thiết – Long Xuyên, quý ân nhân, đại diện NTFP và chuyên gia đến từ Philippines – cô Elizabeth Cruzada.
Khởi đầu cho buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa ấy là Thánh lễ tạ ơn – điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi hành trình của Caritas. Trong bầu khí lắng đọng và sốt mến, cộng đoàn cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, cầu nguyện cho nhau và xin ơn nâng đỡ để tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn.

Sau đó là không gian trưng bày sản phẩm – nơi bà con giới thiệu những thành quả cụ thể và đáng tự hào: từ thổ cẩm, rượu cần đến rau sạch, cà phê, mật ong rừng... Đặc biệt, những sản phẩm thủ công tinh tế của Hội Người Khuyết Tật cũng góp phần tạo nên một bức tranh đầy sắc màu của sáng tạo và nghị lực.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT TRONG HÀNH TRÌNH PLD GIAI ĐOẠN 2023–2025
- Hoạt động nghiên cứu hành động có sự tham gia được triển khai với 93 người tham dự thuộc 3 nhóm cộng đồng, tạo nền tảng cho các sáng kiến từ nội lực.
- Các diễn đàn trao đổi học hỏi (Learning Exchange Platform – LEP) được tổ chức cho 5 nhóm đối tượng với tổng cộng 8 diễn đàn, mở rộng không gian chia sẻ giữa các nhóm văn hóa, lãnh đạo cộng đồng, hội người khuyết tật, nhóm nông nghiệp sinh thái và nhóm phát triển sản phẩm.
- Công tác tập huấn – giao lưu – học hỏi diễn ra sôi nổi với: : 85 khóa, 7 đợt đào tạo lãnh đạo, 10 chuyến học hỏi nước ngoài, 21 giao lưu cộng đồng, 15 tham quan mô hình, 7 diễn đàn nông dân.
- Trong lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, 17 hộ tham gia thử nghiệm chuyển đổi, 862 hộ được hỗ trợ trồng gần 20.000 cây lâm nghiệp và cây ăn trái. 10 hộ cam kết trồng lúa không sử dụng hóa chất.
- Văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn và phát huy với 12 nhóm chiêng, múa và nhà sàn hoạt động chủ động, 3 nhóm dệt bước đầu phát triển sản phẩm, 6 nhóm khôi phục kỹ thuật làm men và rượu cần truyền thống.
- Phát triển sản phẩm cộng đồng là điểm nhấn với 18 nhóm được đồng hành theo 6 nhóm sản phẩm: lâm sản ngoài gỗ, rau lúa hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, cà phê, dệt, và dịch vụ văn hóa. Đặc biệt, 3 nhóm đã được cấp chứng nhận hữu cơ CFGS, bao gồm 2 nhóm cà phê Pơ Nơm và 1 nhóm rau Bókabang.
- 20 tiểu dự án cộng đồng được triển khai trên nhiều lĩnh vực: phát triển sản phẩm nông nghiệp sinh thái, sản phẩm văn hóa, trồng xen – phân compost – vườn ươm, chăn nuôi và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật.

Nhìn vào những con số ấy, có thể cảm nhận rõ sức mạnh tập thể của cộng đồng – nơi mỗi người đều mang trong mình một điểm mạnh riêng, và khi được kết nối, bổ trợ cho nhau, những điểm mạnh ấy trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
TỌA ĐÀM “BƯỚC CHÂN TỰ DÂN - GIEO MẦM HY VỌNG
Tại buổi tọa đàm, ba khách mời đặc biệt đại diện cho ba hoàn cảnh tiêu biểu đã chia sẻ những hành trình đầy cảm hứng, đại diện cho sự nỗ lực, thay đổi và kiên trì vượt qua khó khăn vì một tương lai phát triển bền vững.

Chị Nguyễn Thị Thanh Sang – đại diện nhóm “Hoa Tay Khuyết” (Hội Người Khuyết Tật Đà Lạt) – là hình ảnh điển hình cho nghị lực sống của người khuyết tật. Với phương châm “làm nên sản phẩm đẹp và chất lượng để khách hàng yêu thích, chứ không phải mua vì thương hại”, nhóm đã khẳng định được giá trị của mình thông qua những sản phẩm thủ công tinh tế, đầy sáng tạo. Đó không chỉ là sinh kế, mà còn là niềm tự hào và khát vọng được sống có ích.
Chị Ma Phum – đại diện cho một hộ gia đình đang chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp sinh thái – chia sẻ câu chuyện đầy chân thực và cảm động. Trong khi phần lớn bà con xung quanh vẫn quen với phân thuốc, chị đã mạnh dạn thay đổi. Chị kể lại niềm vui của mình khi bắt đầu thấy thú rừng trở về vườn: nào là khỉ, là gà rừng, dù đôi lúc phá hết cây trái, nhưng đó lại là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường sinh thái đang dần hồi sinh. “Thú rừng chỉ quay về khi vườn không còn độc hại”, chị nói.
Chị K’Đào – thành viên Tổ hợp tác Cà phê sạch Pơ Nơm – chia sẻ hành trình quyết tâm chuyển đổi hoàn toàn sang canh tác nông nghiệp sinh thái. Trong quá trình ấy, chị và các thành viên trong nhóm không ngừng trăn trở để nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng sản phẩm sạch không chỉ là con đường phát triển bền vững, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng và người tiêu dùng.
ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI
Định hướng tương lai được chị Maria Goretti Đinh Thị Hồng Phúc – Phó Giám đốc Caritas Đà Lạt – chia sẻ đầy tâm huyết: Cộng đồng sẽ tiếp tục duy trì, phát triển và mở rộng thực hành nông nghiệp sinh thái, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa. Từ đó, hướng tới việc xây dựng cộng đồng đoàn kết, có cam kết mạnh mẽ trong việc thay đổi tư duy và sống tinh thần chăm sóc ngôi nhà chung.
Ba mục tiêu cụ thể được xác định cho chặng đường tiếp theo gồm:
- Phát triển nông nghiệp sinh thái,
- Phát triển sinh kế bền vững,
- Củng cố tổ chức cộng đồng.
Đây chính là kim chỉ nam cho hành trình “Phát Triển Tự Dân” trong giai đoạn mới – vững vàng, có định hướng và tràn đầy hy vọng.
“Bước chân tự dân – Gieo mầm hy vọng” không chỉ là một khẩu hiệu, mà chính là con đường mà cộng đồng đã và đang kiên định bước đi. Trên con đường ấy, mỗi bước chân – dù chậm rãi hay nhỏ bé – đều mang theo một hạt giống hy vọng được gieo vào lòng đất, vào đời sống, vào tương lai.
Hành trình ấy vẫn đang tiếp diễn. Từ những mảnh vườn đơn sơ, từ đôi bàn tay chai sạn của người nông dân, từ những điều tưởng như bình thường nhất... chính từ đó, hy vọng được nảy mầm, niềm tin được thắp sáng, và một tương lai mới đang dần hình thành – nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên, với nhau và với chính mình.