TÓM TẮT CÁC TIÊU CHUẨN HỮU CƠ PGS CƠ BẢN

Tiểu chuẩn về đất:

  1. Khu vực sản xuất hữu cơ phải được cách ly tốt khỏi các nguồn ô nhiễm như các nhà máy, khu sản xuất công nghiệp, khu vực đang xây dựng, các trục đường giao thông chính,…
  2. Các trang trại hữu cơ phải được tách biệt rõ ràng với các trang trại không hữu cơ liền kề. Để ngăn chặn các hóa chất được sử dụng từ các trang trại lân cận nên xây dựng một vùng đệm hiệu quả bằng cách trồng các cây bản địa. Nếu việc xâm nhiễm xảy ra qua đường nước cần phải có một bờ đất hoặc rãnh thoát nước để tránh bị xâm nhiễm do nước ô nhiễm tràn qua.

Quản lý độ phì của đất và dinh dưỡng cây trồng

  1. Nông dân hữu cơ PGS nhận thức đất là một môi trường sống. Do đó, nông dân tập trung vào việc nuôi dưỡng hệ sinh thái đất hơn là nuôi dưỡng cây trồng. Vì thế, nông dân hữu cơ sẽ không sử dụng phân bón hóa học và các chất tổng hợp kích thích tăng trưởng trong sản xuất hữu cơ, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, để đối phó với các vấn đề của côn trùng, nấm hại hoặc bệnh tật.
  2. Nguồn nước được sử dụng trong canh tác hữu cơ không bị ô nhiễm (theo quy định trong tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn của TCVN 5942-1995). Nông dân phải có các biện pháp cách ly và bảo vệ nguồn nước khỏi các tác nhân ô nhiễm từ các trang trại cao hơn, các trang trại liền kề,…. Đối với các nguồn nước sử dụng chung nông dân phải nỗ lực hết sức để giảm thiểu nguồn ô nhiễm bằng hệ thống lắng lọc trước khi đưa vào sản xuất.
  3. Nông dân hữu cơ phải quản lý dinh dưỡng cây trồng và độ phì của đất bằng các phương pháp luân canh, trồng cây che phủ, tấp tủ… phân bón hữu cơ chỉ được sử dụng sau khi đã qua ủ nóng. Khuyến khích nông dân tận dụng các nguồn phân động vật, tàn dư thực vật, cây xanh có sẵn tại địa phương. Các loại phân khoáng, phân vi sinh và các chế phẩm được sử dụng phải nằm trong danh mục các sản phẩm được phép sử dụng cho nông nghiệp hữu cơ.
  4. Cấm đốt tàn dư thực vật ngoại trừ phương pháp du canh truyền thống và trường hợp chứng minh được là cần thiết để kiểm soát dịch bệnh.
  5. Cấm sử dụng phân người, các rác thải đô thị và rác thải y tế.
  6. Nông dân phải chọn lựa, áp dụng các phương pháp làm đất, giúp duy trì hoặc cải tạo tính chất vật lý, hóa học và điều kiện sinh học của đất đề giảm thiểu xói mòn và tình trạng nhiễm mặn đất.

Tiêu chuẩn thực hành quản lý côn trùng, cỏ dại và bệnh hại

  1. Để quản lý côn trùng gây ra các vấn đề trong canh tác, nông dân sử dụng thuốc đuổi côn trùng có nguồn gốc tự nhiên, bẫy côn trùng và tạo sự cân bằng hệ sinh thái bằng các phương pháp trồng xen canh, luân canh.
  2.  Không sử dụng các hóa chất để tiêu diệt cỏ dại. Khuyến khích thực hiện tấp tủ đất và các phương pháp trồng luân canh, xen canh để quản lý cỏ dại và cải tạo đất.

Tiêu chuẩn về giống cây trồng

  1.  Tăng cường sử dụng các hạt giống, cây con có nguồn gốc tại địa phương. Khuyến khích việc trao đổi, chia sẻ hạt giống bản địa với các vườn hữu cơ và vùng khác. Không được sử dụng giống biến đổi gen GMOs trong sản xuất hữu cơ.
  2.  Sử dụng các phương pháp truyền thống như phân hữu cơ, tro, nước tiểu,… để xử lý hạt giống và cây giống là tốt nhất. Trong xử lý nguồn giống không được phép sử dụng các hóa chất tổng hợp.

Đối với trang trại trồng song song

  1.  Các thiết bị phun thuốc đã được sử dụng trong canh tác thông thường không được sử dụng trong canh tác hữu cơ.
  2.  Các dụng cụ đã dùng trong canh tác thông thường phải được làm sạch trước khi đưa vào sử dụng trong canh tác hữu cơ.
  3.  Túi và các vật đựng để thu hoạch, cất giữ và vận chuyển sản phẩm hữu cơ đều phải mới hoặc được làm sạch. Không sử dụng các túi và vật đựng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ. Đảm bảo sản phẩm luôn được giữ hữu cơ trong lưu trữ và vận chuyển.
  4.  Các nguyên vật liệu, dụng cụ và máy móc bị cấm trong canh tác hữu cơ không được phép lưu trữ trong kho cất trữ sản phẩm hữu cơ.

Các tiêu chuẩn khác

  1.  Giai đoạn chuyển đổi bắt đầu từ sau 6 tháng đối với cây ngắn ngày và một năm đối với cây dài ngày kể từ ngày ngưng sử dụng hóa chất. Sau 2 năm ngưng hóa chất trang trại đủ điều kiện được chứng nhận hữu cơ.
  2. Nông dân duy trì việc ghi chép vào sổ nhật kí các hoạt động liên quan đến trang trại.