Ở Việt Nam nông nghiệp luôn có một vị trí quan trọng, là ngành sản xuất vật chất cơ bản cung cấp những sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm cho con người tồn tại. Vì thế, sự ổn định xã hội và mức an ninh về lương thực và thực phẩm của xã hội phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của nông nghiệp.
Nằm trên địa bàn huyện Đơn Dương, xã Tutra có tổng diện tích canh tác lúa lên tới 800 hecta. Với tập quán canh tác lúa sạ tốn nhiều giống, nước tưới; và việc sử dụng phân hóa học thuốc trừ sâu làm đất đai bị chai cứng, tác động xấu đến môi trường, góp phần làm tăng thêm quá trình biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Mặt khác, trong những năm khủng hoảng kinh tế gần đây, người nông dân phụ thuộc nhiều vào thị trường phân bón thế giới. Chi phí trong sản xuất tăng cao như chi phí lúa giống, nhân công và tình hình lạm phát đã làm cho đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Năng suất và sản lượng lúa thu hoạch bị giảm sút do thời tiết thay đổi và đất đai hoang hóa.
Nhận thấy cần có sự thay đổi nên Caritas Đà Lạt đã mạnh dạn đưa vào áp dụng thử nghiệm phương pháp canh tác mới, tổ chức buổi hội thảo “Phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI và cách sử dụng phân bón một cách có hiệu quả” trước khi vụ đông xuân năm 2012 bắt đầu.

