Trong mạng lưới liên kết các cộng đồng, bà con thường gặp gỡ nhau trong nhiều sự kiện và hoạt động, nhưng lại hiếm khi có dịp ghé thăm tận nơi, ngắm nhìn cuộc sống và cơ ngơi của cộng đồng bạn. Sau nhiều lần hứa hẹn đầy háo hức, hành trình cho chuyến giao lưu giữa 3 cộng đồng Đinh Trang Hòa, Lộc Tân và Đưng K'nớ được điểm vào ngày 14 và 15 tháng 9. Đây là cơ hội để các thành viên từ ba khu vực gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, đồng thời tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục và tập quán độc đáo của nhau.

Chuyến giao lưu diễn ra tại hai địa điểm chính ở Lộc Tân và Đinh Trang Hòa. Mỗi nơi đều mang đến những trải nghiệm đặc biệt, giúp các thành viên hiểu thêm về cuộc sống, văn hóa và những nỗ lực phát triển của từng cộng đồng.

Image

Trong khu vườn của mẹ Nus tại xã Đinh Trang Hòa, bà con được chiêm ngắm những cây cà phê cao to từ 32 – 35 năm tuổi, học hỏi kỹ thuật ghép cành bơ và cành cà phê. Vợ chồng mẹ Nus cũng khuyến khích bà con phải chú trọng sự đồng thuận và nỗ lực chăm chỉ của vợ chồng trong công việc chung, điều này khiến bà con rất ngưỡng mộ vợ chồng chủ vườn vừa chăm chỉ, vừa biết cách làm ăn.

Trong phần chia sẻ các hoạt động chung, mọi người cùng tìm hiểu về nhóm tiết kiệm và các hoạt động gây quỹ cộng đồng tại Đinh Trang Hòa, trải nghiệm quy trình sản xuất tại mô hình Cà Phê Oh Mi K'Ho, nơi các thành viên học cách rang xay cà phê từ chính người dân bản địa, mang đến nhiều kiến thức & trải nghiệm thú vị. 

Image

Tiếp theo chương trình, bà con cùng nhau ghé thăm làng, khu vực đan gùi và nhà may truyền thống, nơi bảo tồn nhiều loại hạt giống quý từ các vùng khác nhau. Những kiến thức về việc bảo tồn và chia sẻ hạt giống không chỉ là tài sản văn hóa, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững cho cộng đồng.

Chương trình tại Lộc Tân diễn ra trong không khí vô cùng sôi nổi. Tại nhà sàn thôn 2, bà con được thưởng thức những tiết mục văn nghệ giao lưu, với tiếng cồng chiêng và những khúc hát rừng núi.

Cộng đồng cũng đã có dịp tìm hiểu về mô hình nuôi dê xoay vòng của 12 hộ gia đình tại Lộc Tân. Chủ mô hình chia sẻ kỹ thuật chăm sóc dê, từ việc chăm sóc dê mẹ lúc đẻ, cách làm chuồng cho đến việc xử lý phân và thức ăn. Những kiến thức này đặc biệt hữu ích cho bà con trong việc phát triển chăn nuôi hiệu quả.

Image

Kết thúc chương trình là buổi tìm hiểu về văn hóa dệt truyền thống và phong tục cưới hỏi của người Châu Mạ, một nét văn hóa độc đáo và đậm chất bản sắc, khiến mọi người càng thêm hiểu và trân trọng văn hóa địa phương.

Chuyến giao lưu đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bà con từ các cộng đồng tham dự. Họ không chỉ học hỏi được những kỹ thuật canh tác và chăn nuôi, mà còn cảm nhận rõ sự gắn kết và tinh thần cộng đồng qua từng hoạt động chung. Những bài học và kinh nghiệm này đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển bền vững trong tương lai. Trước khi chia tay, bà con còn tặng nhau những món quà giản dị nhưng đong đầy tình cảm như trái bơ, củ gừng và dưa leo làm giống – những món quà giản dị từ vườn nhà nhưng đầy ý nghĩa.

Xin hẹn ngày gặp lại, hỡi những cộng đồng bạn!

Image