MẠNG LƯỚI CARITAS ĐÀ LẠT
Bác ái (Caritas) là một phần quan trọng làm nên bản chất và sứ vụ của Giáo hội. Thực vậy, bản chất Giáo hội được thể hiện qua một trách nhiệm bao gồm ba hoạt động: rao giảng Lời Chúa (kerygma-martyria) cử hành các Bí tích (leiturgia), phục vụ bác ái (diakonia). Trong Giáo hội, mọi thành phần đều có trách nhiệm thực thi bác ái, nhưng Caritas là tổ chức được Giáo hội giao vai trò đại diện Giáo hội trong lãnh vực này. Vì thế, để thực thi sứ vụ cao trọng này Caritas Đà Lạt đã và đang:
Xây dựng việc làm bác ái có tổ chức:
Tình yêu tha nhân bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, trước tiên là trách nhiệm của từng người Kitô hữu, nhưng cũng là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Vì thế, tình yêu cũng cần có tổ chức, nếu nó muốn trở thành một công việc phục vụ có thứ tự và bền vững cho cộng đoàn, và cũng chính vì thế mà Hội Thánh đã thiết lập Caritas. Do đó, Hội thánh là chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm những hoạt động bác ái. Caritas là một tổ chức của Giáo Hội nhằm khơi dậy ý thức về tình bác ái yêu thương nơi mọi người trong xã hội, từ đó dẫn đến những hoạt động thiết thực giúp đỡ nhau (x. TĐ TCLTY, số 20). Caritas được tổ chức tại nhiều cấp khác nhau
- Caritas quốc tế => Tòa Thánh
- Caritas quốc gia => Hội Đồng Giám mục
- Caritas giáo phận => Đức Giám mục giáo phận
- Caritas giáo xứ => Cha xứ
- Ban đại diện Caritas giáo hạt: Trong giáo phận Đà Lạt, cha đặc trách Caritas giáo hạt và một số đại diện giáo dân được bầu vào ban đại diện với 2 vai trò chính như sau:
+ Tạo sự liên đới, cầu nối giữa các giáo xứ trong giáo hạt và giữa Caritas giáo phận và giáo xứ
+ Phát triển mạng lưới Caritas
Mời gọi tham gia tình nguyện viên/ hội viên Caritas:
Caritas Việt Nam không chỉ là một tổ chức bác ái xã hội theo nghĩa thông thường, nhưng còn là một đoàn thể Công giáo Tiến hành để giúp người tín hữu sống tình bác ái của Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Vì thế, Giáo Hội toàn cầu và Hội đồng Giám mục Việt Nam khuyến khích tín hữu tham gia vào hoạt động này như một hội viên. (Quy chế CVN). Caritas mong muốn phát triển phong trào tình nguyện viên, hội viên sâu rộng hơn, này ở các giáo xứ, các nhóm, đặc biệt cho các bạn trẻ, và có những hoạt động thiết thực cho phong trào,…
Tăng năng lực cho Caritas giáo xứ:
Để trở thành chứng nhân của Tin Mừng cách sống động và sáng tạo, Hội viên Caritas cũng cần được học hỏi thêm về một số lãnh vực: kỹ năng tổ chức, bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường, Laudato Si,….
Theo mẫu gương trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, hoạt động bác ái mang đặc tính Kitô giáo trước hết là lời đáp trả nhu cầu khẩn cấp trực tiếp trong một hoàn cảnh cụ thể: Ai muốn phục vụ những người đau khổ, cần phài được đào tạo có nghiệp vụ : những người trợ giúp phải được đào tạo, để họ thực hiện những hành động đúng đắn vào đúng lúc và tiếp tục chăm sóc.
YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ
“Chỉ có việc phục vụ tha nhân mới mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Người đã yêu tôi như thế nào” (x. TĐ Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18).
Khi nghe đến từ Caritas quý ông bà, anh chị em nghĩ đến điều gì? Caritas là tiếng La Tinh, có nghĩa là bác ái, tình yêu thương rộng lớn. Caritas là tổ chức trong Giáo hội Công giáo có nhiệm vụ điều phối, cổ võ việc thực thi bác ái xã hội. Bác ái (caritas) là một phần quan trọng làm nên bản chất và sứ vụ của Giáo hội.
Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Tình yêu”, thánh nhân giới thiệu cho ta con đường tình yêu rộng lớn để ta có thể mang Chúa đến cho mọi người. Nhưng có người đã lầm tưởng về Caritas và nghĩ rằng muốn làm việc bác ái, phải có tiền, có thuốc men, có vật chất, có cuộc sống ổn định, có kỹ năng, kỹ thuật, … Trong khi điểm cơ bản chính là diễn tả tình yêu của Chúa cho mọi người qua từng ánh mắt, câu nói, nụ cười, thái độ tôn trọng, yêu thương mà con người rất cần trong thời đại hôm nay.
Vì bản chất Giáo hội được thể hiện qua một trách nhiệm bao gồm ba hoạt động: rao giảng Lời Chúa, cử hành các Bí tích, phục vụ bác ái. Những hoạt động này lệ thuộc nhau và không thể tách rời nhau. Đức giáo hoàng Phanxicô nói rõ hơn: “Bác ái là một phần thiết yếu của Giáo hội. Nếu không có bác ái thì không có Giáo hội. Bác ái thể hiện tình yêu của Giáo hội, và Giáo hội tự thể hiện qua bác ái”. Trong Giáo hội, mọi thành phần đều có trách nhiệm thực thi bác ái, nhưng Caritas là tổ chức được Giáo hội giao vai trò đại diện Giáo hội trong lãnh vực này.
Linh đạo Bác ái nhắm đến việc giúp người ki tô hữu thể hiện tình yêu bao la của Thiên Chúa qua những hành động giúp đỡ, chia sẻ thiết thực và trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng qua đời sống mang tính nhân bản toàn diện. Từ đó họ cộng tác với mọi người để xây dựng nền văn minh tình yêu cho dân tộc mình, cũng như cho gia đình nhân loại (x.TLHTXHGH, số 580-583).
Bác ái là bản chất của Giáo hội và là trách nhiệm của mọi Kitô hữu, không là đặc quyền của ai. Vai trò của Caritas là mời gọi thêm nhiều thành phần trong Giáo hội và trong xã hội tham gia vào việc xoa dịu nỗi đau của anh chị em mình. Vì thế, Caritas Đà Lạt mong muốn củng cố và phát triển mạng lưới Caritas tại các giáo xứ, giáo hạt trong gia đình giáo phận qua các hoạt động: Giúp đỡ người già neo đơn, người bệnh tật, người có hoàn cảnh khó khăn,… những sáng kiến hoạt động (thu gom ve chai, quỹ khuyến học, ngày vì môi trường…), tổ chức các buổi tập huấn (Bảo vệ môi trường, cách gây quỹ….) giới thiệu linh đạo Caritas, sống Laudato’Si, cử hành ‘Mùa Sáng Tạo” thánh lễ mừng bổn mạng Caritas, họp thường niên Caritas hàng năm,…
Ước gì lời chúa Giêsu nói với người thông luật “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy” trong câu chuyện người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,25-37), được nhiều người đón nghe và thực hành trong cuộc sống.
(Các nguồn trích dẫn: Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, Linh đạo Caritas, Sứ vụ Caritas trong Giáo hội của Lm.Giuse Ngô Sĩ Đình OP, Giám đốc Caritas Việt Nam)