Khoảng 30 nông dân trong tỉnh Lâm Đồng tham dự khóa tập huấn từ ngày 2 đến 4/6/2020 về kỹ thuật nuôi ong khoái, ong nội địa, săn ong, thu, xử lý và bảo quản mật ong chất lượng cao tại Đưng KơNơh.

Khóa tập huấn do Caritas Đà Lạt tổ chức là kết quả của chuyến khảo sát thực địa của Caritas Đà Lạt và Tiến sĩ Phùng Hữu Chính về điều kiện tự nhiên, xã hội và truyền thống lấy mật ong của người dân tại Đưng KơNơh vào tháng 07/2019 và dựa trên mong muốn học hỏi của người dân. Tiến sĩ Phùng Hữu Chính đến từ Công ty cổ phần phát triển ong miền núi, là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy về ong đặc biệt là ong nội địa cho nhiều tổ chức, cộng đồng trong và ngoài nước.

Lớp học diễn ra trong 3 ngày, tham dự viên là những nông dân đến từ Tu Tra (huyện Đơn Dương), Đạ Tông (huyện Đam Rông), Đạ Nhar (huyện Đạ Tẻh), và hơn nửa số học viên đến từ Đưng KơNơh (Lạc Dương).

Image

Khởi đầu ngày tập huấn đầu tiên, bà con Đưng KơNơh đã tiếp đón giảng viên, đoàn Caritas và các học viên đến từ các vùng khác bằng một bài múa cồng chiêng trong không khí vui tươi mang đậm chất văn hóa của người dân tộc Cil. Bắt đầu khóa học, ông Rơ Ông Ha Jăng – bí thư thôn 1 Đưng KơNơh đã phát biểu: “Lượng mật ong năm nay giảm mạnh so với các năm trước do diện tích rừng tự nhiên giảm và giá mật ong cũng hạ. Mong muốn qua lớp học sẽ nắm được các kiến thức mới để áp dụng cho nghề nuôi ong của Đưng KơNơh. Tương lai có đạt thành quả hay không cũng nhờ vào lớp học này.” Buổi sáng ngày đầu tiên các học viên được cung cấp các kiến thức về sinh học các loài ong, kỹ thuật săn và khai thác ong bền vững. Vào buổi chiều, các học viên được tham gia thực hành trực tiếp cách vắt mật đảm bảo vệ sinh và cách chế biến sáp ong.

Ngày thứ hai, lớp học khởi động bằng việc vừa chơi vừa ôn bài. Các học viên vừa được chia sẻ lại những kiến thức ấn tượng nhất vừa được nói lên những dự tính áp dụng vào thực tế. Tiếp theo, giảng viên cung cấp các kiến thức về khai thác ong bên vững, các thành phần của mật ong, cách thu hoạch và chế biến mật ong chất lượng cao. Vào buổi chiều, các học viên sôi nổi và sáng tạo thực hành cách làm đõ ong sau khi được giảng viên hướng dẫn. Buổi tối cùng ngày, cả đoàn đã không khỏi ngạc nhiên và thích thú với chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” đầy chuyên nghiệp mang đậm chất văn hóa của người Cil nhưng cũng không kém phần sôi động với sự tham gia của đông đảo bà con thôn làng từ các em thiếu nhi đến các bà mẹ, ông bố và cả những nam thanh nữ tú trong thôn làng.

Image

Ngày học thứ 3, giảng viên tiếp tục cung cấp các kiến thức về cách bắt ong nội về nhà nuôi hoặc có thể nuôi tại rừng. Có thể nói, đây là phần nội dung bà con cảm thấy mới mẻ và hứng thú nhất trong khóa học vì nó hoàn toàn mới lạ đối với nông dân ong vùng Lâm Đồng. Cuối cùng các học viên nói lên những điều tâm đắc nhất và những dự tính thực hiện trong tương lai để phát triển sinh kế dựa vào ong rừng. 

Với các phương pháp giảng dạy thu hút, khuyến khích sự tham gia cùng các kiến thức phù hợp, các học viên đã tham gia một cách tích cực và vui vẻ.

Cuối khóa học, những hào hứng không khỏi chút băn khoăn vẫn còn đọng lại trong lòng các học viên để xây dựng một tương lai bền vững cho các nhóm ong. Đặc biệt, nhóm ong Đưng KơNơh ngồi lại với nhau ngay khi lớp học kết thúc để cùng phân tích và đưa ra kế hoạch phát triển ong rừng với việc khai thác ong bền vững, chất lượng mật được nâng cao, cũng như  hình thành một tổ chức cộng đồng với những cam kết chung hướng đến hình thành thương hiệu mật ong rừng Đưng KơNơh và giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong việc phát triển bền vững về ong đến với cộng đồng. Ước mong những giải pháp và các hướng đi mới dần được tìm thấy khi người dân cùng đồng lòng, quyết tâm tìm kiếm và bền chí thực hiện.

Đưng KơNơh là một xã nghèo tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Với diện tích đất lâm nghiệp là 18.739,59 ha, rừng tự nhiên lớn hơn 17.000 ha gồm thông và rừng gỗ tạp. Đây cũng là nơi có truyền thống bắt ong rừng nhiều năm và nguồn mật ong nơi đây đã tạo ra một uy tín nhất định cho người sử dụng.


                                                                                                        Song Tứ