Nhóm hồi gia là các bệnh nhân tâm thần có sức khỏe ổn định và về gia đình, tiếp tục theo dõi và trị liệu tại cộng đồng. Ngày 22 tháng 7 vừa rồi, anh em và người thân được dịp quy tụ lại với nhau tại một địa danh nổi tiếng đẹp, hùng vĩ là khu du lịch sinh thái thác Pongoh, Đức Trọng, Lâm Đồng.
Mục đích của ngày gặp mặt này là tạo cơ hội cho anh em giao lưu, học hỏi và chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống. Tạo mối tương quan giữa nhân viên Caritas Đà Lạt với anh em và người thân trong gia đình. Là cơ hội để Anh em có dịp nghỉ ngơi, thoải mái tinh thần và tìm hiểu thêm những kiến thức mới, có ích cho bản thân và cuộc sống.
Anh em rất vui và hào hứng chờ đợi ngày gặp mặt này bởi cách 4 tháng anh em mấy có dịp để cùng nhau giao lưu, chia sẻ câu chuyện của mình. Trong ngày gặp mặt lần này, Caritas Đà Lạt mời thầy Nguyễn Thành Hoài, giám đốc cơ sở tâm thần Hy Vọng, Bảo Lộc chia sẻ cho anh em chủ đề: “Tôi là ai? Vai trò của tôi trong gia đình? Ước muốn trong tương lai của tôi là gì? Bài học về Tôn trọng?
Chủ đề này rất cần thiết và phù hợp đối với anh em đã về cộng đồng. Trong bài chia sẻ, thầy nhấn mạnh mỗi người đều là những cá thể riêng biệt. Anh em cần phải biết bản thân mình là ai và có trách nhiệm với công việc và gia đình của mình. Tất cả các anh em đều đã từng sống tại cơ sở tâm thần Trọng Đức, người ở lâu nhất thì 4 năm, và ít thì 1, 2 tháng. Thế nhưng, anh em đều có cảm nhận chung rằng cuộc sống tại Trọng Đức rất gò bó và mất tự do hơn với cuộc sống bên ngoài. Vậy, nếu anh em muốn có cuộc sống tự do, thoải mái thì anh em phải cố gắng từ bỏ, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.... Chỉ có thể hạn chế, từ bỏ các chất kích thích này anh em mấy khỏe mạnh và có một cuộc sống như mình muốn. Gia đình và người thân là những người lo lắng, quan tâm anh em nhất, thế nhưng, sự cố gắng và nỗ lực bản thân anh em sẽ quyết định đến tương lai tốt đẹp của anh em. Không ai có thể cứu được anh em ngoài bản thân anh em. Anh em cũng đừng so sánh cuộc sống của mình với người khác, bởi như vậy chính anh em tự làm tổn thương và cảm giác thua thiệt. Hơn nữa, Anh em không nên quan tâm nhiều quá đến quá khứ và những lời nói đàm tiếu từ bên ngoài. Tâm thần là một dạng bệnh như bao nhiêu bệnh tật khác như bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp. Chỉ cần anh em thay đổi cách suy nghĩ và thay đổi thói quen sống tích cực thì chắc chắn anh em sẽ có một cuộc sống như mong muốn.
Giữa giờ chia sẻ, anh em làm một bài trắc nghiệm nho nhỏ: Hãy viết, vẽ lên những ước muốn tương lai của mình? Kết quả cho thấy rằng 80% câu trả lời đều muốn được khỏe mạnh và sống có ích cho gia đình và xã hội. Còn lại anh em ước muốn có một gia đình yên ấm, hạnh phúc. Thật thế, nếu muốn khỏe mạnh thì không còn cách nào khác là phải cố gắng thay đổi từng ngày.
Sau cùng, thầy chia sẻ thêm về giá trị của Tôn trọng trong cuộc sống? Thực tế, anh em khi trở về nhà cảm thấy rất tự ti bởi cái nhìn chưa tích cực về bệnh tâm thần, ngay cả khi sức khỏe anh em đã ổn định. Thế nhưng, anh em muốn được sự tôn trọng từ người khác thì trước hết phải tôn trọng người khác trước, sau đó chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp hơn.
Khép lại ngày gặp mặt là những nụ cười hạnh phúc, cái bắt tay thân thiện và thật nhiều ý nghĩa. Cầu chúc cho các anh luôn giữ gìn sức khỏe, luôn nở nụ cười trên môi để vượt qua những khó khăn đang chờ đợi phía trước.
K' Tức